Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội Khoá XI thông qua ngày 29.11.2006. Luật đã tạo hành lang pháp lý đặc biệt quan trọng để xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, đồng thời, đem đến sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức của nhiều người trong việc đăng ký và hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác phục vụ các mục đích nghiên cứu khoa học và điều trị bệnh cho những người bệnh khác; thúc đẩy ngành ghép mô, tạng đạt được những kết quả đáng ghi nhận, có trình độ tương đương khu vực và thế giới trong ghép thận, tim, gan, phổi… Nhờ đó, đã cứu sống hàng ngàn người bệnh suy mô, tạng giai đoạn cuối, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Tham dự hội thảo, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ thống chính sách, pháp luật về hiến, lấy ghép mô, tạng ở Việt Nam cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định trong quá trình triển khai thực hiện như: nhiều quy định mới chỉ dừng lại ở mức độ chung, chưa có các quy định cụ thể để triển khai thực hiện; một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn. Những quy định về đăng ký hiến mô, tạng bao gồm điều kiện đăng ký và hình thức đăng ký làm hạn chế số người đăng ký hiến mô, tạng. Chế độ cho người hiến, cả người hiến sống và người hiến sau khi chết não chưa đầy đủ và hợp lý. Những quy định về điều phối mô, tạng chưa được quy định đầy đủ, còn thiếu rất nhiều giải pháp quan trọng đảm bảo cho chính sách, pháp luật có thể thực hiện được trong thực tế. Chưa có quy định cụ thể về hỗ trợ tài chính cho người ghép mô, tạng...
Để góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân cũng như bảo đảm quyền lợi cho người hiến tạng và quyền lợi của thân nhân người chết não hiến tạng, các đại biểu cho rằng, cần rà soát, hệ thống hoá, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định trong hệ thống các văn bản quy định về chính sách, pháp luật hiến, lấy, ghép mô, tạng hiện hành. Theo đó, mở rộng độ tuổi đối với người hiến tặng mô, tạng chết não theo hướng, bất kỳ người nào nếu chết não (dù dưới 18 tuổi) được gia đình xác quyết là khi còn sống, người đó có nguyện vọng hiến tặng mô, tạng nếu chẳng may qua đời.
Đối với người hiến khi còn sống, bên cạnh quy định độ tuổi từ đủ 18 đối với người hiến tặng cùng huyết thống, cần bổ sung quy định mở rộng điều kiện độ tuổi đối với người hiến tặng không cùng huyết thống, theo đó, cần nâng cao độ tuổi hiến tặng lên 30 hoặc 35 tuổi, bởi ở độ tuổi này người hiến thường đã hoàn thiện cả về thể chất, tinh thần và đã cơ bản ổn định cuộc sống, do đó với quy định này, cũng sẽ góp phần hạn chế tình tạng mua bán tạng hiện nay.
Cùng với đó, bổ sung thêm các quy định về chế độ cho người hiến mô, tạng. Bổ sung quy định về sự hỗ trợ của BHYT đối với người hiến mô, tạng. Cụ thể người hiến mô, tạng được thanh toán toàn bộ chi phí khám sàng lọc, tư vấn, xét nghiệm, đánh giá đủ điều kiện hiến tặng mô, tạng; được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời kể từ ngày hiến tạng và thẻ BHYT này phải được ưu tiên khám, chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở y tế nào phù hợp... Đối với người hiến tặng sau khi chết, chết não và gia đình được miễn toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế trước khi chết não và hiến tạng; được hỗ trợ vận chuyển thi thể về địa phương và chi phí mai táng...
Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ giúp định hướng sửa đổi Luật trong thời gian tới.