Tây Nguyên tập trung khắc phục hậu quả sau bão và đề phòng mưa lũ kéo dài

- Thứ Sáu, 30/09/2022, 08:21 - Chia sẻ

Bão số 4 đi qua, nhiều khu vực ở Tây Nguyên đã thống kê sơ bộ được thiệt hại, trong đó 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, bão số 4 đã làm nhiều nhà dân bị tốc mái, công trình văn hóa, trường học, trang trại chăn nuôi bị sập, ngập nước và có hơn 1.144 ha cây trồng bị thiệt hại. Trong đó, huyện Chư Sê có 4 nhà bị tốc mái; huyện Mang Yang có 3 căn nhà tạm bợ tại xã Ayun và Đak Jơ Ta bị tốc mái; huyện Kbang có 1 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 25 nhà bị tốc mái hiên, mái công trình phụ; tại thôn Plei A, B xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) có 16 nhà dân bị nước ngập dưới chân nhà sàn; thị xã An Khê có 1 nhà bị tốc mái hiên…

Tây Nguyên tập trung khắc phục hậu quả sau bão và đề phòng mưa lũ kéo dài -0
Thiệt hại hoa màu, nhà cửa tại Gia Lai đang được thống kê và hỗ trợ theo quy định

Bão số 4 cũng làm hơn 1.144 ha hoa màu, lúa của người dân Gia Lai bị ngã đổ. Trong đó, huyện Đak Đoa 57,8 ha cây lúa bị ngã đổ, ngập úng; Chư Sê 265,5 ha; Mang Yang 33,6 ha; Kbang 582,8 ha và nhiều cây xanh tại nhiều địa phương bị ngã đỗ.

Hiện tại, các hộ dân có nhà bị hư hỏng, tốc mái đã được các cấp chính quyền cùng gia đình tập trung khắc phục, đồng thời rà soát để thống kê thiệt hại về cây trồng để được hỗ trợ theo quy định.

Tại tỉnh Kon Tum, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, tính đến tối 29.9, thiệt hại do bão số 4 gây hư hỏng cục bộ nhiều công trình hạ tầng, nhà ở của người dân… ước tính khoảng  trên 24 tỷ đồng.

Tây Nguyên tập trung khắc phục hậu quả sau bão và đề phòng mưa lũ kéo dài -0
Hoạt động đi lại của người dân tại các huyện vùng sâu của tỉnh Kon Tum vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Thiệt hại nặng nhất là các tuyến giao thông quốc lộ và tỉnh lộ như Quốc lộ 40B, Quốc lộ 24; Tỉnh lộ 672; Tỉnh lộ 673; Tỉnh 677 và các tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn các huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Kon Rẫy... bị lũ cuốn gây sụt ta luy dương, ta luy âm; cầu, cống, ngầm, rãnh thoát nước bị hư hỏng, sạt lở…  Uớc tính trị giá thiệt hại trên 15 tỷ đồng.

Ngoài ra, 240ha diện tích hoa màu bị ngập úng, ao nuôi cá bị xói lở; 14 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xói lở kênh mương; 51 căn nhà bị ảnh hưởng, hư hỏng… ước thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng.

Điều vui mừng nhất đối với địa phương Kon Tum lúc này là công trình giao thông trên Tỉnh lộ 672 và 678 bị hư hỏng nghiêm trọng, chia cắt hàng ngàn người dân tại 3 xã thuộc huyện Tu Mơ Rông đã được thông tuyến trở lại.

Tây Nguyên tập trung khắc phục hậu quả sau bão và đề phòng mưa lũ kéo dài -0
Lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum kiểm tra, chỉ đạo khắc phục tại huyện Tu Mơ Rông

Trước đó, do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về làm cuốn trôi nhiều mét cống, làm sụt lún các mố cầu trên tuyến Tỉnh lộ 672 và 678 đoạn đi vào 3 xã Đăk Na, Đăk Sao và Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông). Với sự cố hư hỏng nghiêm trọng trên đã khiến 8.000 người dân sinh sống tại 3 xã này này bị chia cắt.

Bên cạnh đó, mưa lũ còn gây sạt lở lớn tại 8 vị trí vào thôn Tu Thó, xã Tê Xăng làm trôi đi hàng nghìn m3 đất đá; hiện còn 10 vị trí sạt lở nhỏ với khoảng 1.000 mét khối đất, đá tràn xuống mặt đường khiến giao thông bị ách tắc hoàn toàn. Khoảng 147 hộ dân ở thôn Tu Thó đang bị chia cắt không thể lưu thông đến các địa phương lân cận.

Để khắc phục tình trạng hư hỏng hạ tầng giao thông và sớm lưu thông tuyến đường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân tại nơi bị sạt lở, chia cắt giao thông, trong ngày 29.9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm cùng lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông đã trực tiếp đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo khắc phục và hỗ trợ người dân. Sở Giao thông Vận tải cũng đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ huy động máy móc, thiết bị tiến hành khắc phục cầu và cống trên Tỉnh lộ 672 và 678.

Huyện Tu Mơ Rông cũng huy động xe gạt tuyến tránh cầu tràn Năng Nhỏ 2 (xã Đăk Sao) trên tuyến đường 678 (đi vào xã Đăk Na, Đăk Sao) để xe máy và xe ô tô con qua được. Đến cuối giờ chiều 29.9, tại khu vực 3 xã Măng Ri, Đăk Na và Đăk Sao cơ bản đã thông tuyến tạm thời.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Huyện đã huy động 2 máy múc để san ủi, múc đất, đá để mở lối vào thôn Tu Thó. Đồng thời, huy động các lực lượng cùng người dân tham gia khắc phục, tiến hành cắt, dọn cây ngã chắn ngang đường, ban gạt đất đá tại những điểm sạt lở nhỏ để sớm thông đường. Bà con ở thôn Tu Thó vẫn ổn định, lương thực, thực phẩm, nước uống vẫn đảm bảo đến tận nhà dân.

Để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão và đưa các hoạt động sớm trở lại bình thường, nhân dân sinh sống tại các khu vực bị sạt lỡ như thôn Tu Thó và cán bộ xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã cùng nhau góp sức đào bới, san gạt đất bị sạt lở để mong sớm thoát khỏi cảnh bị chia cắt giao thông do mưa lũ.

Tây Nguyên tập trung khắc phục hậu quả sau bão và đề phòng mưa lũ kéo dài -0
Hàng trăm người dân thôn Tu Thó và cán bộ xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) cùng chung tay nạo vét đường, khơi thông cống rãnh đưa hoạt động thông suốt trở lại

Ông A Đe, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng cho biết, từ trưa nay, thấy trời tạnh nên lãnh đạo xã đã vận động người dân cùng tham gia giải phóng mặt bằng. Cả thôn Tu Thó và cán bộ xã cùng dùng cuốc, xẻng chung tay dọn dẹp. Người dân và cán bộ cùng chung sức, chung lòng nên mọi việc diễn ra rất nhanh, ai cũng vui.

Bão số 4 đã đi qua, hậu quả để lại đang được các cấp chính quyền, nhân dân chung tay khắc phục nhằm sớm nhất đưa các hoạt động trở lại bình thường. Cùng với đó, các địa phương đã chủ động hướng dẫn bà con phương án phòng, tránh trong mùa mưa lũ khi Tây Nguyên đang bước vào đợt cao điểm của mùa mưa năm nay.

Quang Huy
#