Khẩn trương ứng phó bão số 4 có xu hướng mạnh lên

- Thứ Ba, 27/09/2022, 16:23 - Chia sẻ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, sáng sớm 26.9, bão Noru đã vượt qua khu vực phía nam của đảo Luzon (Philippines), đi vào Biển Đông nước ta, trở thành cơn bão số 4 năm 2022 (bão NORU). Dự báo trong 48 đến 72 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ.

Bão số 4 di chuyển nhanh, cường độ mạnh

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ ngày 26.9 đến ngày 27.9, bắt đầu có gió mạnh trên vùng biển phía Nam của khu vực Bắc Biển Đông và khu vực giữa Biển Đông. Đối với vùng biển ven bờ, dự báo chiều đến đêm 27.9, khu vực từ Đà Nẵng - Bình Định sẽ bắt đầu có gió mạnh. Đến rạng sáng và trong sáng ngày 28.9, là thời điểm trên đất liền khu vực trên chịu tác động gió mạnh nhất.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm, “tất cả các dự báo của Việt Nam cũng như quốc tế cập nhật đến sáng 26.9 đều nhận định cường độ cơn bão số 4 là một cơn bão mạnh. Về dự báo quỹ đạo bão khá ổn định, nhưng về cường độ, không có dự báo nào cho thấy bão giảm cường độ khi tiến gần đất liền Việt Nam”.

Khẩn trương ứng phó bão số 4 có xu hướng mạnh lên -0
Cuộc họp giao ban công tác ứng phó với bão số 4 và mưa lũ ở miền Trung của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai sáng 26.9

Ông Khiêm thông tin, khi bão vào Biển Đông có các yếu tố tác động đến cơn bão, trong đó có yếu tố năng lượng là nhiệt lực và động lực. Nhiệt lực thì hiện nay bề mặt nước biển đang rất cao, độ ẩm lớn; động lực tạo ra xoáy, thì hiện nay có gió Tây Nam phía dưới và gió Đông Bắc phía trên. Các yếu tố này đã làm cho bão duy trì cường độ mạnh khi tiến gần đất liền nước ta. Bão có cường độ lớn, đặc biệt khi bão đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa sẽ đạt cấp 13-14. Cường độ bão này duy trì khi đi vào vùng biển Quảng Bình đến Ninh Thuận.

Cơ quan khí tượng nhận định, khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4 từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, đây là khu vực vùng biển thoáng, do đó, gió mạnh do bão trên đất liền ven biển có thể đạt cấp 12-13, giật cấp 14-15.

Khẩn trương ứng phó bão số 4 có xu hướng mạnh lên -0
Dự báo vị trí và đường đi của báo số 4 

Các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó bão, tuyệt đối không lơ là, chủ quan

 Phát biểu tại cuộc họp giao ban công tác ứng phó với bão số 4 và mưa lũ ở miền Trung của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai sáng 26.9, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận yêu cầu các đơn vị, địa phương phải thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng về ứng phó với bão số 4 và mưa lũ ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng, Tổng cục Thủy sản tiếp tục theo dõi sát các tàu thuyền hoạt động trên biển để nắm bắt tình hình, đôn đốc các tàu này vào nơi tránh trú an toàn hoặc di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ông Luận lưu ý Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các địa phương phải tuyên truyền cho người dân tại các lồng, bè nuôi trồng thủy sản cần phải sơ tán sớm trước khi bão đổ bộ, có biện pháp ứng phó kịp thời nhằm tránh thiệt hại về người, tài sản. Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần rà soát nhằm đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, hồ chứa thủy lợi và sẵn sàng các phương án ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

"Đề nghị các đơn vị cử các đoàn công tác tham gia vào Đoàn công tác tiền phương do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm trưởng ban đặt tại Đà Nẵng. Cũng trong sáng 27.9, Phó Thủ tướng sẽ vào Đà Nẵng, các đơn vị như Biên phòng, Cục Cứu hộ cứu nạn thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng cục Thủy sản... chủ động vào để tham gia cùng Đoàn của Phó Thủ tướng đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 4", ông Luận cho biết.

Khẩn trương ứng phó bão số 4 có xu hướng mạnh lên -0
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đi kiểm tra tình hình ứng phó bão số 4 tại khu neo đậu tàu thuyền Tinh Hoà, Quảng Ngãi

Để đảm bảo an toàn tàu thuyền, không để xảy ra thiệt hại trên biển, sáng 26.9, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có văn bản hoả tốc số 76/QGPCTT đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND – Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các tàu cá nêu trên di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm của bão hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Cũng trong sáng 26.9, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, phát biểu mở đầu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian chỉ đạo về công tác ứng phó cơn bão số 4.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương, người dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến của bão. Trong đó, hết sức quan tâm một số nhiệm vụ: khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…

Thủ tướng nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu, phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa để bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản của người dân, của Nhà nước trong bối cảnh thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Thảo Anh
#