Cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường

Lê Chi 02/08/2022 06:30

Là xã đảo duy nhất của TP. Hồ Chí Minh, Thạnh An (huyện Cần Giờ) có nhiều tiềm năng phát triển về nuôi trồng thủy hải sản, du lịch nhưng cũng là nơi dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nếu như không có những giải pháp cụ thể, hiệu quả và sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng.

Nói không với túi nilon

Với trọng tâm phát triển về du lịch sinh thái, góp phần tạo sinh kế, cải thiện đời sống cư dân xã đảo, thời gian qua, xã đảo Thạnh An - một điểm đến du lịch, đã thu hút được sự quan tâm của giới trẻ. Trong quá trình phát triển, Thạnh An một mặt phát huy thế mạnh về tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên đặc thù của một xã đảo nhưng mặt khác, cần bảo đảm kiểm soát ô nhiễm từ các hoạt động sinh hoạt, sản xuất thủy hải sản, dịch vụ, thương mại của cư dân trên đảo và từ lượng du khách ngày càng tăng, đặc biệt là vấn nạn toàn cầu về ô nhiễm chất thải nhựa.

Theo đó, chất thải phát sinh nếu không được thu gom và xử lý sẽ làm xấu cảnh quan, ô nhiễm môi trường, hủy hoại hệ sinh thái biển, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường sống của dân cư trên đảo. Đồng thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nguồn lợi từ biển và tiềm năng về thủy, hải sản, du lịch của cư dân xã Thạnh An.

Để bảo vệ môi trường ở Thạnh An, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBND huyện Cần Giờ hỗ trợ triển khai mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng, nhằm phát huy vai trò của mỗi người dân trong gìn giữ môi trường xã đảo. Từ tháng 4.2019, huyện Cần Giờ đã triển khai giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy trên địa bàn xã Thạnh An.

Qua 3 năm thực hiện, UBND xã Thạnh An đã thành lập 10 tổ vận động, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy với 40 thành viên, có trách nhiệm tuyên truyền vận động nhân dân, các hộ kinh doanh sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, giám sát giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy. Trao tặng 25.000 túi thân thiện môi trường cho khách du lịch khi đến xã Thạnh An; thu hồi 600kg túi nilon khó phân hủy rồi quy đổi với Công ty TNHH Thương mại tổng hợp II thành 200kg túi thân thiện môi trường, phát cho người dân sử dụng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển, thông qua chương trình, một số tiểu thương và người dân trên địa bàn đã hiểu được tác hại của túi nilon, nhất là túi nilon khó phân hủy. Đặc biệt, chương trình có tính lan tỏa sâu rộng đến các địa bàn khác, trong đó, có sự hưởng ứng của các cơ quan, ban ngành, trường học. Nói cách khác, nhận thức của người dân Thạnh An đối với việc hạn chế sử dụng, thải bỏ đúng, phân loại để thu gom tái chế chất thải nhựa có sự chuyển biến đáng chú ý.

Xã Thạnh An thực hiện nhiều giải pháp để giảm túi nilon khó phân hủy. Nguồn: ITN
Xã Thạnh An thực hiện nhiều giải pháp để giảm túi nilon khó phân hủy
Nguồn: ITN

Mỗi người dân là một tuyên truyền viên, giám sát viên

Tại Lễ sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy; triển khai Kế hoạch phối hợp giữa UBND huyện Cần Giờ và Sở Tài nguyên và Môi trường về thực hiện "Chương trình giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trên địa bàn xã đảo Thạnh An" diễn ra mới đây, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ đã đề nghị, UBND huyện Cần Giờ và xã Thạnh An tiếp tục nỗ lực, kiên trì triển khai các mô hình; duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền kết hợp tổ chức tốt các điểm kiểm soát túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần, bảo đảm mục tiêu đến 2025 có 100% chủ nguồn thải trên địa bàn và 100% du khách khi đến xã Thạnh An không sử dụng túi nilon khó phân hủy. Đồng thời, tổ chức phân loại chất thải rắn tại nguồn và kết nối với các đơn vị có liên quan thu gom, thu hồi túi nilon và các sản phẩm nhựa có thể tái sử dụng, tái chế.

Để góp phần phát triển xã đảo Thạnh An thành xã sạch, xanh và thân thiện môi trường, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển, thời gian tới, xã Thạnh An và huyện Cần Giờ sẽ tổ chức triển khai cho các cơ sở sản xuất, hộ dân trên địa bàn xã tham gia ký cam kết giảm sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sản xuất, kinh doanh và đời sống. Ngoài ra, huyện sẽ tuyên truyền qua panô, áp phích, tờ rơi, phát thanh trên hệ thống loa đài, các cuộc họp tổ dân phố trên địa bàn xã; tuyên truyền qua các vật phẩm trao đổi với du khách, tuyên truyền tại các chốt kiểm soát túi nilon khó phân hủy và trên các phương tiện. 

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố bày tỏ mong muốn, nhân dân xã đảo sẽ đồng hành với chính quyền thực hiện nói không với túi nilon, từ những hành động nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, sao cho mỗi người dân trên xã đảo hình thành thói quen không sử dụng túi nilon. Đồng thời, mỗi người dân là một tuyên truyền viên, giám sát viên trong thực hiện giảm sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường xã đảo, để du khách đến xã đảo cũng không đem và sử dụng túi nilon…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO