Nguy cơ ô nhiễm môi trường ở Thanh Hóa
Thời gian qua, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và cụm làng nghề, Thanh Hóa đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường. Một trong những nguyên nhân chính do công tác quản lý nhà nước về môi trường chưa được chú trọng.
Toàn tỉnh hiện có 3 khu công nghiệp là Lễ Môn, Đình Hương, Bỉm Sơn và Khu kinh tế Nghi Sơn. Tất cả các khu công nghiệp đều chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa có hệ thống xử lý nước thải chung. Khu công nghiệp Lễ Môn có 19 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh thì có tới 13 dự án chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải. Một số cơ sở có hệ thống xử lý nhưng chưa hoàn chỉnh. Do đó, chất thải hầu hết thải trực tiếp ra môi trường. Trong 19 cụm công nghiệp đã có dự án đầu tư, có tới 17 cụm chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tất cả các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải chung, chỉ xây dựng hệ thống cống rãnh thoát nước. Các dự án đầu tư Cụm công nghiệp Hà Phong (Hà Trung) cụm công nghiệp Đông Lĩnh (Đông Sơn), cụm công nghiệp Nga Sơn... do chưa có hệ thống xử lý chất thải triệt để nên gây ô nhiễm nặng đến môi trường.
Ô nhiễm môi trường ở các làng nghề truyền thống cũng đang là vấn đề bức xúc. Toàn tỉnh có 428 làng nghề truyền thống nhưng chưa có làng nghề nào có công trình xử lý nước thải và cam kết bảo vệ môi trường. Chất thải rắn, nước thải, khí thải tại một số làng nghề như làng nghề rèn xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), làng nghề vôi đá Đông Hưng, Đông Tân (Đông Sơn), làng nghề cá Hải Thanh (Tĩnh Gia)... gây ô nhiễm lớn đến môi trường. Các trang trại chăn nuôi cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Toàn tỉnh có 1.042 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 25 trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Đến nay, mới có 2 trang trại có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hệ thống chuồng trại và công trình xử lý chất thải xây dựng chưa bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật. Mặt khác, các trang trại chủ yếu xen lẫn trong các khu dân cư nên ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Tình trạng ô nhiễm môi trường đô thị cũng đang ở mức báo động. Hệ thống tiêu, thoát nước xuống cấp trầm trọng. Hiện nay, số lượng rác thải thu gom mới chỉ đạt 60 -70% lượng chất thải. Việc phân loại rác thải chưa tốt, đặc biệt rác thải nguy hại, rác thải y tế chưa được thu gom và xử lý riêng. Các bãi rác đều nằm trong tình trạng quá tải. Các thị trấn, thị tứ chưa có quy hoạch bãi rác hoặc bãi rác tạm nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường xung quanh. Hệ thống bệnh viện tuyến huyện chưa được đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải. Bên cạnh đó, việc sử dụng hoá chất bảo vệ thực vật chưa được quản lý chặt chẽ; Việc sử dụng phân khoáng, phân hữu cơ chưa khoa học là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nông nghiệp, nông thôn. Trong khi đó, nhiều vùng dân cư ở các huyện miền núi, các xã ven biển thiếu nước sạch và các công trình vệ sinh cần thiết. Đến nay mới có 50% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, 55% số hộ có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Có thể nói, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng ở Thanh Hóa do lực lượng cán bộ làm công tác quản lý về môi trường ít, năng lực hạn chế, chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm; Trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn còn thiếu. Do đó, việc nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường các cấp cần phải được bổ sung và bồi dưỡng để có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ quản lý môi trường. Hoạt động thanh tra, giám sát cần được đẩy mạnh, đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ không chấp hành quy định bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách đẩy mạnh công tác xã hội hoá việc bảo vệ, thu gom và xử lý chất thải ngay từ khâu đầu tiên... hạn chế thấp nhất nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Dư Phan