Philippines kêu gọi trở lại với tuần làm việc 4 ngày

- Chủ Nhật, 20/03/2022, 05:49 - Chia sẻ
​​​​​​​Mới đây, nhà kinh tế trưởng của Philippines đã kêu gọi thực hiện tuần làm việc ngắn hơn, bắt đầu từ các nhân viên Chính phủ, để tiết kiệm chi phí nhiên liệu trong bối cảnh giá dầu thế giới đang ngày càng trở nên đắt đỏ.
Philippines muốn trở lại với tuần làm việc 4 ngày để tiết kiệm chi phí nhiên liệu trong bối cảnh giá dầu thế giới đang tăng mạnh

Hôm 17.3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch kinh tế - xã hội Karl Kendrick Chua đã trình bày với Tổng thống Duterte rằng, trong bối cảnh giá dầu toàn cầu tăng vọt hiện nay, một cách để tiết kiệm năng lượng và chi phí lương thực cho người lao động là chuyển sang tuần làm việc 4 ngày. Ông nói: “Mỗi người Philippines vẫn sẽ làm việc 40 giờ mỗi tuần. Nhưng thay vì 5 ngày, họ sẽ chỉ phải làm việc 4 ngày. Thay vì 8 giờ mỗi ngày, sẽ là 10 giờ một ngày”.

Theo Bộ trưởng, Philippines từng thực hiện tuần làm việc 4 ngày vào năm 1990 khi cuộc chiến tranh vùng Vịnh diễn ra, và vào năm 2008 khi giá dầu cũng tăng đột biến. Hiệu quả của chính sách này khi đó đã tạo ra một khoản tiết kiệm lớn cho đất nước, do nhân viên Chính phủ chỉ phải lái xe hoặc đi phương tiện công cộng 4 lần một tuần thay vì 5 lần.

Khi cấp độ cảnh báo đối phó với đại dịch Covid-19 giờ chỉ ở mức thấp nhất ở vùng đô thị Manila và nhiều khu vực khác, các cơ quan chính phủ của Philippines đã hoạt động trở lại 100% hay hết công suất. Không chỉ ở khu vực công, ông Chua cũng khuyến khích khu vực tư nhân thực hiện động thái tương tự.  

Bộ trưởng cho biết, các quy tắc hiện hành của Ủy ban Dịch vụ Dân sự cho phép sắp xếp công việc thay thế. Cơ quan cá nhân đã có thể thực hiện tuần làm việc 4 ngày, nhưng để thực hiện trong tất cả các cơ quan Chính phủ có thể cần lệnh của Tổng thống hoặc biên bản ghi nhớ. Bộ trưởng Năng lượng Alfonso Cusi ủng hộ ý tưởng tuần làm việc 4 ngày, đồng thời kêu gọi mở rộng các thỏa thuận làm việc tại nhà để giảm số lượng người đi làm. Đề xuất chính sách trên cũng nhận được sự đồng tình của nhiều nghị sĩ, trong đó có Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson và Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về lao động, việc làm và nhân lực Win Gatchalian.

Ông Lacson phát biểu: "Miễn là những người làm công ăn lương hàng ngày sẽ được bù đắp cho số giờ làm việc kéo dài của họ tương đương với năm ngày, tôi sẽ ủng hộ tuần làm việc 4 ngày để chúng ta có thể tiết kiệm nhiên liệu. Đó là gợi ý hay và chúng ta nên ủng hộ điều đó”. Ông nói thêm, điều này không chỉ tiết kiệm chi phí nhiên liệu mà còn tạo điều kiện cho người lao động có thêm thời gian với gia đình.

Trong khi đó, ông Win Gatchalian bên cạnh việc bày tỏ ủng hộ còn tái kêu gọi Bộ Lao động và Việc làm thực hiện đầy đủ Luật Làm việc tại nhà. “Luật Làm việc tại nhà đã có liên quan ngay cả trước khi đại dịch bắt đầu, vì giá nhiên liệu tăng cao là một trong những lý do chính khiến chúng tôi thúc đẩy điều này trở thành luật”, “hiện chúng ta vẫn chưa thấy hồi kết cho các vấn đề về giao thông và giá nhiên liệu cao, và luật này là cách để các ngành điều chỉnh và đối phó”, ông nói.

Theo truyền thông địa phương, Tổng thống Duterte sẽ đưa ra quyết định về đề xuất này vào đầu tuần tới.

Thực tế, ý tưởng tuần làm việc 4 ngày đã được thành phố Iloilo, thuộc vùng Western Visayas thông qua. Thị trưởng Jerry Treñas cho biết, chính sách sẽ được áp dụng cho các nhân viên Chính phủ từ ngày 28.3, để họ có thời gian điều chỉnh lịch trình của mình.

Một nghiên cứu gần đây của hãng phân tích và nghiên cứu tiêu dùng Milieu Insight tiết lộ, 74% người Philippines muốn áp dụng tuần làm việc 4 ngày để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Song họ lo ngại điều này có thể đồng nghĩa với việc trả lương thấp hơn. 39% trong số người được khảo sát cho biết họ không muốn bị cắt giảm lương nếu thực hiện tuần làm việc 4 ngày.

Hiện tại, người dân Philippines trong khu vực công và tư được khuyến khích đi làm trực tiếp ở những vùng cảnh báo Covid-19 thấp để giúp phục hồi nền kinh tế. Năm 2019, Philippines nằm trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, với tăng trưởng GDP 6,1%, chỉ đứng sau Việt Nam trong số các quốc gia ASEAN. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm tê liệt nền kinh tế nước này khi Chính phủ buộc phải áp đặt một trong những đợt đóng cửa lâu nhất thế giới. Kết quả là nền kinh tế Philippines phải chịu mức suy giảm 9,5% GDP vào năm 2020, mức tồi tệ nhất trong khu vực và là mức thảm nhất trong lịch sử sau chiến tranh. Tuy nhiên, GDP Philippines tăng 5,6% trong năm 2021. 

Ngọc Minh