Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Thể hiện tư duy mới, cách tiếp cận mới

- Chủ Nhật, 14/11/2021, 08:01 - Chia sẻ
Việc Nghị quyết Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV xác định “tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, bám sát mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” thể hiện tư duy mới, cách tiếp cận mới với vấn đề mang tính toàn cầu". TS. Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, bình luận.

TS. TRẦN HỮU HIỆP, chuyên gia kinh tế: Mổ xẻ được những vấn đề cốt lõi

Kỳ họp thứ Hai diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt: nền kinh tế vẫn đang chịu những tác động nặng nề sau 4 làn sóng dịch Covid-19 bùng phát. Do vậy, Kỳ họp không chỉ đánh giá lại việc phát triển kinh tế - xã hội của năm nay, đề ra kế hoạch năm sau mà còn phải tạo đà cho cả giai đoạn 2021 - 2025. Quyết sách của Kỳ họp vì thế trở nên đặc biệt quan trọng.

Nhìn lại Kỳ họp, có thể thấy trước tiên, Quốc hội đã có sự đánh giá lại toàn diện nhiều mặt về phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt là phòng chống dịch. Trong đó nổi lên là việc nhìn nhận lại tư duy, cách tiếp cận, ứng phó với tác động của đại dịch. Việc Nghị quyết của Quốc hội khẳng định “tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, bám sát mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” thể hiện tư duy mới, cách tiếp cận mới với vấn đề mang tính toàn cầu là ứng phó Covid-19, thay vì cách tiếp cận cứng nhắc trước đây.

Diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt nên Kỳ họp lần này cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của cử tri và Nhân dân cả nước. Có thể khẳng định, những vấn đề cốt lõi đã được mổ xẻ thấu đáo, với không khí thảo luận, tranh luận thẳng thắn, sôi nổi, trách nhiệm, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phục hồi kinh tế, qua đó tạo được niềm tin trong Nhân dân.

Nếu ví nền kinh tế của chúng ta đang như người bệnh, những quyết sách đưa ra tại Kỳ họp lần này giống như bác sĩ đã "bắt" đúng bệnh cần được điều trị ngay với những liều thuốc kịp thời. Điều này đồng nghĩa, Chính phủ cần sớm cụ thể hóa nội dung của nghị quyết, chuyển hóa thành những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện; đồng thời phải kiểm tra, giám sát thực hiện, tạo kỷ cương, kỷ luật nghiêm. Trong đó, tôi đặc biệt quan tâm tới việc phải bố trí, sử dụng nguồn lực hiệu quả. Bên cạnh đó, cần quan tâm tới liên kết nội vùng và liên kết vùng, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu như thời gian qua. Nếu không có sự liên kết này sẽ vẫn còn khoảng cách giữa chính sách và thực thi, và mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong năm sau sẽ khó hoàn thành.

Ông HOÀNG TRỌNG THỦY, chuyên gia nông nghiệp: Phân bổ và sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Quốc hội đã quyết nghị tăng trưởng kinh tế sẽ ở mức 6 - 6,5%. Đây là một mục tiêu đòi hỏi nỗ lực rất lớn.

Muốn khôi phục kinh tế, giữ đà tăng trưởng này có vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp. Và nếu ví tăng trưởng dựa vào “cỗ xe tam mã” là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng thì trong năm 2022, chúng ta đang gặp rất nhiều thử thách. Cụ thể, về đầu tư, hiện chưa có tín hiệu lớn, đặc biệt trong chế biến, bảo quản và xây dựng hạ tầng logistics. Về xuất khẩu, thị trường truyền thống như Mỹ, EU… liên tục ra cảnh báo hàng nông sản của Việt Nam vi phạm; chưa gỡ được thẻ vàng thủy sản với EU. Về tiêu dùng, do khó khăn từ dịch bệnh, thu nhập giảm sút khiến cầu tiêu dùng nội địa chắc chắn bị ảnh hưởng.

Để có thể tạo đà tăng trưởng tốt cho năm 2022, về phía Quốc hội, trước hết cần phân bổ nguồn lực theo cơ cấu ngành hợp lý, sử dụng hiệu quả, trong đó cần quan tâm đầu tư cho nông nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng. Bên cạnh đó, Quốc hội cần tăng cường giám sát thực hiện của Chính phủ, nhất là với những cam kết mà Thủ tướng, các bộ trưởng đã nêu ra tại Kỳ họp.

Về phía Chính phủ, cần nỗ lực, tập trung cho tăng trưởng quý IV này, trong đó đẩy mạnh tiêm vaccine, nhất là vùng nông thôn; hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay. Riêng với nông nghiệp, Chính phủ cần kiểm tra và ngăn chặn tình trạng vật tư nông nghiệp bị làm giả hoặc bị thổi giá, bởi nếu tăng giá quá sẽ khiến người nông dân bỏ sản xuất, ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Ông BÙI THANH BÌNH, Trưởng phòng Giao nhận toàn quốc Công ty T&M Forwarding: Sớm cụ thể hóa nghị quyết vào cuộc sống

Kỳ họp lần này của Quốc hội nhiều điểm tích cực khiến tôi rất ấn tượng. Đầu tiên là việc Quốc hội họp liên tục cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật, rút ngắn nhất có thể về thời gian, thể hiện tinh thần khẩn trương, quyết liệt của Quốc hội trong bối cảnh chúng ta đang cần sớm có những quyết sách để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Mặc dù vậy, nội dung của Kỳ họp vẫn phản ánh đúng, trúng những vấn đề cốt lõi mà cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, gồm phòng chống dịch và khôi phục kinh tế; đưa ra được những quyết sách hợp lý với bối cảnh mới. Nhìn vào tổng thể đó, có thể khẳng định Quốc hội đã có một kỳ họp thành công.

Một trong những nội dung được tôi và nhiều cử tri Hải Phòng quan tâm tại kỳ họp lần này là Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Là doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Hải Phòng, chúng tôi nhận thấy, thời gian qua, các cấp chính quyền của thành phố đã luôn nỗ lực cải cách, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Tuy vậy, vẫn còn những rào cản về thể chế, chính sách khiến thành phố chưa thể “bung” sự phát triển. Do đó, với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù chắc chắn sẽ giúp thành phố phát triển năng động hơn, thực sự trở thành động lực cho cả miền Bắc, người dân và doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Song, Hải Phòng cũng như các tỉnh được Quốc hội chấp thuận áp dụng cơ chế thí điểm lần này có thành công hay không phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện. Chúng tôi mong rằng, chính quyền địa phương cần nhanh chóng cụ thể hóa nội dung nghị quyết vào cuộc sống.

Đan Thanh thực hiện