Dư âm Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Những kiến nghị đặc sắc

- Thứ Ba, 16/11/2021, 05:16 - Chia sẻ
Khác với thông lệ, kỳ họp cuối năm, Quốc hội thường chỉ thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; lần này, cùng với thảo luận các nội dung thông lệ, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV còn có nội dung mang tính chất chuyên đề. Đó là việc phòng, chống đại dịch Covid-19. Nội dung có phần mới, rộng lớn và phức tạp hơn, nhưng thời lượng cũng chỉ gói gọn trong 2 ngày (8 - 9.11).

                                                              TS. Bùi Ngọc Thanh

                                                     Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Đánh giá trung thực tình hình

Hai nhóm vấn đề lớn là phòng, chống đại dịch Covid-19 và kinh tế -  xã hội chính là mục tiêu “kép” (thực thi phòng, chống đại dịch tốt là điều kiện để vực dậy, phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả, và kinh tế - xã hội phát triển có hiệu quả sẽ là nguồn lực chủ yếu để phòng, chống dịch tốt). Chính phủ đã báo cáo trung thực, chính xác tình hình cả về thành quả đạt được và những khuyết điểm tồn tại, được các đại biểu tán đồng cao.
Việc đánh giá đúng đắn kết quả đạt được cùng với việc nhận diện chính xác khuyết điểm, tồn tại đều cùng mục đích phát huy cái được, tìm giải pháp khả thi, khắc phục sự suy giảm, yếu kém để phòng, chống đại dịch hiệu quả cao hơn; phát triển kinh tế - xã hội bứt phá ngoạn mục hơn; cải thiện trạng thái bình thường mới vững chắc hơn...

Ý kiến các đại biểu cho thấy, trên phạm vi quốc tế, từ bùng phát đại dịch với phạm vi rộng, cường độ cao đã làm cho các nền y tế Đông, Tây bán cầu đều bị khủng hoảng; từ khủng hoảng y tế toàn cầu dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội thế giới, không phân biệt thể chế, không phân biệt trình độ nền kinh tế (phát triển hay đang phát triển), không phân biệt cấp độ nền y học hiện đại hay thô sơ... Do đó, cũng không phân biệt các loại hậu quả (bệnh tật, tử vong, sa sút về kinh tế, sang chấn tâm lý xã hội...). Một cuộc chiến hầu như chưa có tiền lệ trong lịch sử, không rõ mặt kẻ thù, biến ảo khôn lường, xâm nhập thầm lặng với sức lây lan “thần tốc”, nguy hiểm theo “cấp số nhân”... Tuy vậy, đất nước chúng ta cũng đã đạt được những kết quả có thể coi là thành tựu. Một trong những thành tựu đó là nhanh chóng điều chỉnh chiến lược, từ “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả đại dịch Covid-19”. Công tác phòng, chống dịch ngày càng đem lại chuyển biến, hiệu quả tích cực hơn, đến nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương...

Mặc dù vậy, nhiều đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra, đại dịch Covid-19 như là một phép thử với tất cả lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương. Đợt bùng phát dịch lần thứ tư với tốc độ lây lan chóng mặt cho thấy: Dự báo tình hình chưa thật chuẩn xác dẫn đến “cách ly diện rộng, thời gian quá dài” làm ngưng trệ sản xuất, ách tắc lưu thông; lãnh đạo không ít địa phương sợ trách nhiệm (có đại biểu, ví như đây cũng là một loại “dịch bệnh” - "dịch sợ trách nhiệm") dẫn đến cục bộ, muốn an toàn cho địa phương mình nên lập quá nhiều chốt chẳng khác nào “cấm chợ, ngăn sông”, làm ách tắc giao thông, lưu thông hàng hóa.
Bên cạnh đó, qua phòng, chống đại dịch mới lộ rõ trình độ, năng lực bất cập của y tế cơ sở, y tế dự phòng (đặc biệt, chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống đột biến nhiều người cùng nhiễm Covid-19 trong thời gian ngắn). Thực trạng cho thấy, các tuyến y tế cấp trên được đầu tư tương đối đầy đủ, hiện đại; còn y tế dự phòng, y tế cơ sở lại chưa được đầu tư xứng tầm cả về con người, cả về thiết bị và cơ số thuốc. Dịch bệnh xảy ra cấp tập là từ cơ sở (phường, xã, tổ dân phố, làng bản) nên trở tay không kịp, tổn hại lớn về người, về sản xuất kinh doanh. Bộ Y tế, vốn chức năng, nhiệm vụ cơ bản là quản lý nhà nước về y tế thì trong hoàn cảnh “nước sôi, lửa bỏng” đã phải trực tiếp “xông vào” tác nghiệp cụ thể... Tất cả những vấn đề trên đặt ra công việc lớn, khẩn cấp là tới đây phải tổ chức lại bộ máy của toàn ngành một cách hợp lý hơn, trong đó phải quan tâm đặc biệt đến y tế cơ sở, y tế dự phòng... 

Nhiều đề xuất giải pháp táo bạo

Về các vấn đề kinh tế - xã hội, nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về những thành quả đã đạt được, đó là 8/12 chỉ tiêu đạt và vượt mức Quốc hội giao, trong đó có chỉ tiêu GDP vẫn tăng trưởng dương; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế về cơ bản được bảo đảm... thì các đại biểu cũng đã chỉ ra những điểm yếu, tồn tại, phải có các giải pháp mạnh, “đủ đô, đủ lượng” để sớm khắc phục.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, kinh tế vĩ mô đang tiềm ẩn những rủi ro, đã xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, 9 tháng năm 2021 GDP chỉ tăng được 1,42%... Còn đại biểu, có ý kiến đánh giá rằng, nền kinh tế “rơi thẳng đứng”, sức chống chịu đã rất yếu, tiềm lực của các doanh nghiệp đã cạn kiệt. Nhiều đại biểu đã chỉ ra rằng, lực lượng lao động của khối doanh nghiệp đã và đang di chuyển bất lợi cho cả sản xuất kinh doanh và cho cả việc giải quyết an sinh xã hội; nguồn vốn vừa thiếu, vừa “thừa” (nơi thì thiếu tiền, không có mà chi; nơi “thừa”, có tiền mà không chi được, giải ngân đầu tư công chậm chạp, kết quả thấp). Đang khi đại dịch hoành hành thì lại bị bão lũ, sạt lở ở nhiều tỉnh miền Trung, khó khăn chồng chất khó khăn... Từ tình hình này, các đại biểu đã có nhiều đề xuất giải pháp “táo bạo” cho thời gian còn lại của năm 2021, cả năm 2022 và một số năm tiếp theo.

Một trong số các giải pháp đó là, kiến nghị tăng mức nợ công lên sát trần, vì dư địa còn cho phép. Mức trần nợ công cho phép có thể đến 60% so với GDP, trong khi chúng ta mới đạt 43,7%, vì vậy có thể nâng lên mức 51%. Từ đây sẽ nâng mức bội chi ngân sách nhà nước thêm lên 2 - 3% nữa so với kế hoạch trong thời gian 2 - 3 năm. Như vậy, sẽ có nguồn lực bằng tiền để thực hiện các kế hoạch phục hồi kinh tế và đầu tư bứt phá. Đương nhiên bội chi ngân sách, tăng nợ công không phải để chi cho tiêu dùng thường xuyên mà chỉ để tăng đầu tư, tạo ra những đột phá trong phát triển...

Nếu theo dõi Quốc hội làm ngân sách nhà nước qua nhiều khóa, nhiều kỳ họp cuối năm thì hầu như bao giờ Quốc hội cũng tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu để hạ thấp mức nợ công, hạ thấp mức bội chi ngân sách, không ai muốn đất nước bội chi tăng cao, vậy mà bây giờ lại có thể coi đây là giải pháp cần tính đến! Có đại biểu không đồng tình, đã tranh luận lại: Nguồn gốc con số 44,7% là do đầu năm 2021 chúng ta đã điều chỉnh GDP của năm trước tăng lên hơn 1 triệu tỷ đồng, mẫu số tăng mà tử số (số dư nợ công giữ nguyên) thì tỷ lệ giảm xuống là đương nhiên. Mặt khác, nhiều năm trước dư nợ công đều tăng liên tục, nếu tiếp tục tăng lên đến 51% trong kế hoạch 5 năm tới thì vào năm 2025 nợ công sẽ lên tới 6,5 triệu tỷ đồng, gấp đôi so với nhiệm kỳ này. Do vậy phải hết sức cân nhắc... Quốc hội sẽ cân nhắc quyết định mức độ tăng như thế nào là hợp lý, nhưng thực tế trên thế giới có nhiều nước đã thực thi biện pháp này thành công. Có thể coi đề xuất tăng mức bội chi ngân sách, tăng mức nợ công cao hơn hẳn so với bình thường liên tục trong một số năm cũng là sự tìm tòi, khảo nghiệm quốc tế đáng quan tâm.

Một đề xuất khác của nhiều đại biểu cũng không kém phần “táo bạo”, đó là, trong khi lùi thời gian cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21.5.2018 của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII, thì cho chuyển toàn bộ nguồn tiền mà Trung ương và địa phương đã cân đối được cho đầu tư phát triển. Theo Nghị quyết này thì “hàng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương” và “tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hàng năm cho đến khi thực hiện khoán quỹ lương trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao”. Đó là một khoản tiền không nhỏ, cần được sử dụng trong khi đang thiếu nguồn đầu tư.
Sở dĩ phải kiến nghị, phải “xin phép”, vì Nghị quyết đã chỉ rõ, “không sử dụng vào mục đích khác khi không được cấp có thẩm quyền cho phép”. Còn nói, đây là kiến nghị “táo bạo” vì, nếu chuyển nguồn chi như vậy sẽ liên quan rất nhiều đến Luật Ngân sách nhà nước (Luật do Quốc hội quyết định và ban hành); liên quan đến cân đối ngân sách, quản lý ngân sách và đặc biệt liên quan đến những hành vi bị nghiêm cấm. Chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên là hai mục chi có mục đích rất khác nhau... Tuy nhiên, kiến nghị vẫn có tính khả thi; về nguyên tắc, không thể đem tiền đầu tư phát triển để chi thường xuyên, chi tiêu dùng, nhưng vẫn có thể tiết kiệm tiêu dùng, chi thường xuyên để đầu tư phát triển...

Có một kiến nghị tuy không “táo bạo” nhưng rất đáng quan tâm, đó là tách bạch quản lý chuyên môn y học ra khỏi quản lý kinh tế, tài chính của bệnh viện. Các đại biểu (có cả đại biểu ngành y) kiến nghị, Bác sĩ - Giám đốc bệnh viện chỉ nên quản lý chuyên môn, nghiệp vụ khám, chữa bệnh; không nên làm quản lý cơ sở vật chất, kinh tế, tài chính, vì không có nghiệp vụ này. Đây là vấn đề liên quan đến tất cả các lĩnh vực chứ không riêng gì y tế. Đó là, lãnh đạo các đơn vị trong các ngành đang thực thi nhiệm vụ kép “hai trong một” vừa quản lý chuyên môn nghiệp vụ của ngành, vừa phải chịu trách nhiệm về vật chất, kinh tế, tài chính của ngành. Vừa qua, một số lãnh đạo (có cả lãnh đạo cấp cao) rơi vào vòng lao lý, ngoài các nguyên nhân bản lĩnh, đạo đức, phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn yếu kém... thì có nguyên nhân này. Đây có thể là một đề tài nghiên cứu về nhân sự lãnh đạo, về tổ chức bộ máy và người lãnh đạo, người đứng đầu trong bộ máy...

Quốc hội thảo luận rất sôi nổi, hào hứng, hăng hái, thẳng thắn, tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm. Ai cũng mong đóng góp ý kiến xác đáng cho công việc chung (ngay đầu giờ đã có đến 109 đại biểu đăng ký phát biểu). Có lẽ có khoảng cách thời gian một tuần giữa hai đợt họp nên đại biểu có thêm thời gian nghiền ngẫm tài liệu tương đối sâu, do đó tuyệt đại bộ phận các phát biểu đi đôi với tình hình là những dẫn liệu rất thỏa đáng và đều có những ý hay, những sáng kiến, đề xuất xác đáng. Những yếu tố này góp phần làm nên thành công của Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn có diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong 2 ngày thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội và phòng, chống Covid-19 đã có 120 đại biểu của 57 đoàn đại biểu phát biểu và 5 Bộ trưởng tham gia, giải trình những vấn đề thuộc phạm vi quản lý, thực thi nhiệm vụ của ngành mình. Qua theo dõi, cử tri dễ dàng nhận ra 5 điều mới: Quốc hội nhiệm kỳ mới; nhiều gương mặt đại biểu mới; nội dung thảo luận mới; chất lượng thảo luận ở tầm cao mới và không khí thảo luận như “làn gió mới” dễ chịu.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh