Xem xét cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư
Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030 ngày 21.6, đại biểu kiến nghị xem xét cho phép các địa phương trong vùng có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư.
Mở cánh cửa cho giai đoạn phát triển mới
Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28.2.2022. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch nhằm cụ thể hóa và triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho vùng.

Quy hoạch xác định các đột phá mang tính chiến lược, như: phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường; biến thách thức thành cơ hội, chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn. Bên cạnh đó là thay đổi tư duy về an ninh lương thực, từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo phù hợp với thị trường, trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại phân vùng sản xuất dựa trên tài nguyên nước và thổ nhưỡng… Quy hoạch cũng chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị…
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, quy hoạch có nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của vùng. Các định hướng trong quy hoạch sẽ giúp các địa phương nhận định rõ nét những phương hướng phát triển của toàn vùng, từ đó xây dựng, hoạch định những định hướng phát triển và hoàn chỉnh quy hoạch cấp tỉnh phù hợp với chủ trương chung của toàn vùng và cả nước. Đây còn là một cơ sở vững chắc và dài hạn để dẫn dắt, kết nối các địa phương trong vùng, tạo cơ hội phát huy thế mạnh của từng địa phương, hướng đến sự phát triển chung của toàn vùng và cả nước.
Còn theo Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) TP. Hồ Chí Minh Hirai Shinji, quy hoạch tổng thể cũng quan trọng như la bàn của con tàu. Nếu một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình dưới danh nghĩa tự lực cánh sinh, chuyển ruộng lúa thành công nghiệp thì thu nhập của tỉnh có thể tăng lên trong thời gian ngắn, nhưng đây không phải là giải pháp bền vững. Cách thức theo đuổi lợi nhuận phần nào liều lĩnh và hơi "ích kỷ này" mà không có sự quản lý chung và hướng tới mục tiêu chung sẽ khiến sự tự cường của Việt Nam gặp trở ngại.
Từ quan điểm đó, ông Hirai Shinji chia sẻ, quy hoạch tổng thể đã thể hiện tốt quan điểm về sự phát triển của đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung. Ông cũng tin tưởng, quy hoạch sẽ khai phá tiềm năng, mở ra cánh cửa cho giai đoạn phát triển mới. Hiện, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chưa quen thuộc với tên của từng tỉnh trong vùng, nhưng trong tương lai, rất nhiều công ty sẽ bắt đầu hợp tác với các công ty Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số.
Khẩn trương hoàn thành quy hoạch địa phươngPhát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, các địa phương trong vùng cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.
Tinh thần là quy hoạch phải đi trước một bước, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương; tháo gỡ những hạn chế, yếu kém, thách thức, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển. Muốn phát triển tốt thì phải có quy hoạch tốt, vì quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, từ đó mới có nhà đầu tư tốt.
Cần sự phối hợp triển khai quy hoạch
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi quy hoạch được phê duyệt, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện, bao gồm 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể là phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển khu vực đô thị - công nghiệp động lực, trong đó tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, hệ thống logistics, hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế, khu công nghiệp…; xây dựng môi trường sống tốt, điểm đến hấp dẫn; quản lý, điều phối thực hiện quy hoạch vùng thông qua Hội đồng điều phối vùng để thực hiện thống nhất quy hoạch.
Theo các đại biểu, thời gian tới, để triển khai thực hiện quy hoạch, cần sự phối hợp giữa Chính phủ, bộ, ngành, 13 tỉnh trong vùng, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk đề xuất, để thực hiện Quy hoạch, trước tiên cần đi kèm với một Chương trình hành động chiến lược và khả thi, trong đó xác định rõ các ưu tiên đầu tư trong khung thời gian và với nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhất định. Bên cạnh đó, cần bảo đảm sự phối hợp theo chiều dọc và chiều ngang. Các quy hoạch cấp ngành và cấp tỉnh tiếp theo đang được lập phải bảo đảm tính kế thừa và nhất quán với quy hoạch vùng này, đồng thời cần có cơ chế và biện pháp khắc phục rõ ràng nếu tiềm ẩn những mâu thuẫn, trùng lặp hoặc hạn chế. Đồng thời, cần có khung giám sát và đánh giá tiến độ cũng như chất lượng thực hiện.
Về phía địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt kiến nghị, Trung ương cho phép các tỉnh trong vùng nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư hoặc cho phép các tỉnh thí điểm thực hiện các cơ chế thu hút đầu tư, qua đó đề xuất với Trung ương ban hành cơ chế, chính sách cho phù hợp.
Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, cần ưu tiên quan tâm hỗ trợ về nguồn lực đầu tư, đặc biệt đối với các dự án kết nối hạ tầng, tạo mạng lưới hạ tầng thông suốt kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng; đặc biệt là các dự án lớn có ý nghĩa liên vùng như các tuyến cao tốc huyết mạch theo trục dọc và trục ngang kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng.
Do công tác triển khai quy hoạch theo Luật Quy hoạch được thực hiện lần đầu tiên, trong quá trình triển khai khó tránh khỏi lúng túng, vướng mắc, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác hỗ trợ các tỉnh, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình kiến nghị.