Áp lực giải ngân đầu tư công dồn về cuối năm

Tiến độ phải đi cùng chất lượng

- Thứ Sáu, 30/09/2022, 06:24 - Chia sẻ

Tại cuộc họp báo quý III.2022 vào chiều 29.9, Bộ Tài chính cho biết giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến nay vẫn chưa đạt một nửa kế hoạch. So với mục tiêu giải ngân 95 - 100% Chính phủ đặt ra, áp lực giải ngân trong những tháng cuối năm và đòi hỏi tiến độ giải ngân phải đi cùng chất lượng.

14 bộ và 2 địa phương giải ngân dưới 20%

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, kết thúc quý III, giải ngân vốn đầu tư của cả nước mới đạt 42,16% kế hoạch và đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 7 bộ, cơ quan và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%. Bên cạnh đó, vẫn còn 31 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 40%, trong đó còn 14 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%.

Một số bộ, ngành địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư cao như: Ngân hàng Chính sách xã hội (88,45%); Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (73,17%); Ngân hàng Nhà nước (68,62%); Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (61,26%); Quảng Ngãi (81,4%); Tiền Giang (67,5%); Long An (64,9%); Tây Ninh (64,7%); Ninh Bình (62,6%)…

Hà Nội hiện đứng trong danh sách các địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước dù là 1 trong 2 địa phương (cùng TP. Hồ Chí Minh) được giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 lớn nhất cả nước với trên 51.582,9 tỷ đồng. Cụ thể, đến ngày 23.9, thành phố mới giải ngân được 17.170 tỷ đồng, đạt 33,6% kế hoạch. Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của Hà Nội cũng đang rất chậm, ngoài 6 dự án (trong 8 dự án chuyển tiếp) mới được phê duyệt chủ trương đầu tư, Hà Nội hiện còn 25 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư.

Về tình hình giải ngân một số dự án trọng điểm của cả nước, Bộ Tài chính cho biết, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư là 22.856 tỷ đồng, tổng lũy kế vốn đã bố trí đến năm 2021 là 22.855 tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN), ước đến 30.9.2022, dự án đã giải ngân được gần 16.645 tỷ đồng, đạt 72,83% kế hoạch đã giao.

Với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, theo báo cáo của KBNN, lũy kế số vốn ngân sách nhà nước giải ngân đến ngày 7.9.2022 là 39.712,4 tỷ đồng, đạt 79,5% tổng kế hoạch được giao; với giai đoạn 2021 - 2025, đến 30.9.2022, dự án giải ngân được 203,717 tỷ đồng, đạt 2,4% kế hoạch năm 2022 của dự án.

Theo KBNN, dự án cao tốc Bắc - Nam  giai đoạn 2017 – 2020 đã giải ngân 79,5% kế hoạch vốn được giao
Theo KBNN, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 – 2020 đã giải ngân 79,5% kế hoạch vốn được giao

Áp lực dồn về cuối năm

Tại Nghị quyết số 124/NQ- CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 ban hành ngày 15.9, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đạt 95 - 100% kế hoạch Thủ tướng giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương; giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.

Đối chiếu mục tiêu này với thực tế hiện nay, có thể thấy áp lực giải ngân trong những tháng cuối năm là rất lớn. Việc phải “tiêu” hết hơn 50% kế hoạch vốn của năm trong 3 tháng tới thực sự không đơn giản!

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ lệ giải ngân đầu tư công không như mong đợi có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế năm nay. Mặc dù vậy, đi cùng với nỗ lực tăng tốc giải ngân, các địa phương và các bộ ngành phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng giải ngân. Theo đó, một mặt, Chính phủ cần thực hiện sớm và kiên quyết việc cắt, giảm vốn các dự án giải ngân chậm, điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm. Mặt khác, nên chấp nhận một kết quả mang tính khả thi, tránh gây sức ép giải ngân bằng mọi giá vì điều này vừa khiến dự án không bảo đảm chất lượng, vừa ảnh hưởng đến hiệu quả vốn đầu tư, lại có thể là nguồn cơn của những sai phạm trong quản lý ngân sách.

Để bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư công, trong vai trò là cơ quan kiểm soát chi, hệ thống KBNN tiếp tục áp dụng quy trình kiểm soát, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công được ban hành tháng 3 năm nay. Theo đó, phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” sẽ được áp dụng với khoản chi có hợp đồng và thực hiện thanh toán nhiều lần cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng. Sau đó chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” cho các lần giải ngân kế tiếp cho đến khi thanh toán hết giá trị hợp đồng.

Đặc biệt, hệ thống KBNN cũng quán triệt tinh thần tạo thuận lợi cho chủ đầu tư, các dự án, bảo đảm nhanh, gọn nhưng không xem nhẹ khâu hậu kiểm nhằm góp phần bảo đảm tiến độ, chất lượng giải ngân.

Hà Lan