Thị phần khiêm tốn
Bộ Công thương cho biết, 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 1,3 tỷ USD chiếm 7,1%.
Từ lâu, Nhật Bản đã có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm bao gồm: cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… Đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Đến nay, một số nông sản Việt đã thâm nhập thành công vào chuỗi phân phối tại Nhật Bản, ngày càng xuất hiện phổ biến với đa dạng chủng loại tại các chuỗi siêu thị lớn như AEON, Donkihote, Itoyokado…
Tuy vậy, Nhật Bản là thị trường khó tính, yêu cầu cao trong khâu kiểm duyệt chất lượng và quy định khắt khe về giới hạn dư lượng hóa chất trong sản phẩm, hàng nhập khẩu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị loại bỏ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phản ánh khó kết nối với nhà nhập khẩu do hệ thống phân phối rất đa dạng phức tạp, nhiều tầng lớp. Ngoài ra, chi phí nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài vào Nhật Bản tăng, gây ra nhiều khó khăn chung cho các nước xuất khẩu.
Một phần vì những lý do này, thị phần nông sản Việt tại Nhật Bản còn khá khiêm tốn, nhất là so với Trung Quốc, Philippines, Brazil, Ấn Độ, Malaysia… Cụ thể: các loại rau tươi và đông lạnh của Việt Nam xuất sang Nhật Bản chỉ chiếm 1,3%, trong khi nước chiếm tỷ trọng lớn nhất là Trung Quốc với 49,5%; hoa quả 2,7% (Philippines 18,9%); cà phê 14,7% (Brazil 30,1%); hạt tiêu 25% (Malaysia 34,7%); hạt điều 42,3% (Ấn Độ 55,2%); cá và thủy sản chế biến 8,8% (Mauritania 33,2%); tôm 19,4% (Ấn Độ 22,3%); mực và bạch tuộc 9,4% (Trung Quốc 41,2%); gỗ và sản phẩm gỗ 6,9% (Canada 30,1%)...
Có cơ hội mở rộng thị phần
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết,hàng hóa nhập khẩu hiện chiếm 34% (đồ gia dụng và nội thất), gần 50% (thực phẩm, quần áo và các mặt hàng tiêu dùng khác) trong mỗi gia đình người Nhật. Năm 2022, chi tiêu của các hộ gia đình ở quốc gia này trở nên căng thẳng do đồng Yên yếu, cùng với giá dầu tăng cao do ảnh hưởng cuộc xung đột Nga-Ukraina, chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc khiến chi phí sản xuất tăng, dẫn đến những mặt hàng thiết yếu của Nhật Bản cũng lên giá từng ngày.Trong tương lai, người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu; đồng thời ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có giá rẻ hơn nhưng có chất lượng và công dụng gần tương tự như nhau.
Cơ hội mở rộng thị phần còn xuất phát từ việc cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam và Nhật Bản là bổ sung chứ không cạnh tranh trực tiếp. Với dân số hơn 126 triệu người, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản. Cùng với đó, có khoảng 500.000 người Việt sống ở Nhật, ngoài ra, người dân Nhật cũng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm chất lượng cao được nhập khẩu từ nước ngoài nên nhu cầu hàng Việt cũng tăng cao. Hàng Việt có chất lượng tốt nhưng lại được bán với giá thấp hơn nên đang có khả năng cạnh tranh, thay thế cho hàng hóa của các nước khác hoặc sản phẩm nội địa. Hai nước cũng đã ký kết 4 hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Để tiếp cận tốt thị trường này, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Quốc Toản cho rằng, các cơ quan chức năng tại Nhật Bản cần trao đổi về diễn biến thị trường, chính sách, yêu cầu hàng hóa nhập khẩu với các cơ quan chức năng trong nước để kịp thời thông tin tới doanh nghiệp. bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản để triển khai hoạt động xúc tiến thương mại kết nối, giới thiệu sản phẩm nhằm mở ra cơ hội giao thương cho doanh nghiệp hai nước. Bộ Công thương sẽ phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu diễn biến thị trường, nhu cầu nhập khẩu cũng như ưu đãi từ các FTA để doanh nghiệp tận dụng tốt hơn.
Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực sản xuất, bảo đảm ổn định nguồn cung, chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, thường xuyên phân tích, dự báo được những chủng loại được ưa chuộng để tăng chất lượng, có mức giá phù hợp để tiêu thụ tốt hơn.
Theo ông Tạ Đức Minh, muốn tăng thị phần, muốn người tiêu dùng Nhật Bản tin dùng, đầu tiên phải nắm bắt được thông tin thị trường và am hiểu về tập quán kinh doanh của thị trường này. Người Nhật rất chú trọng đến bao bì, nhãn mác sản phẩm, vì vậy cần nghiên cứu thiết kế bắt mắt. Với các FTA đã ký, doanh nghiệp phải nắm rõ hiệp định nào sẽ có lợi để xuất khẩu nông sản thế mạnh của mình. Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản sẽ hỗ trợ tích cực để doanh nghiệp Việt tăng kết nối.