Tìm giải pháp giảm thiểu thiệt hại…
Sau khi khảo sát thực địa tại Nhà máy NLSH Dung Quất, đoàn công tác đã có buổi làm việc để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn tại nhà máy này. Theo thông tin từ buổi làm việc, hiện tại, Nhà máy đang duy trì hoạt động tối thiểu, bảo đảm an ninh, an toàn, các cổ đông hỗ trợ về công tác an ninh bảo vệ, nhân sự, bảo dưỡng máy móc thiết bị.
Thực hiện Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương (Đề án 1468), Petrovietnam đã chỉ đạo Người đại diện phần vốn tại Công ty CP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) chủ động, phối hợp, hỗ trợ xử lý tồn tại, tranh chấp, quyết toán Hợp đồng EPC, quyết toán dự án và thực hiện các giải pháp khôi phục vận hành, sản xuất.
Trên thực tế, Nhà máy NLSH Dung Quất đã khôi phục vận hành sản xuất theo hình thức hợp tác gia công sản phẩm với đối tác, vận hành 2 đợt vào tháng 10.2018 và tháng 4.2019, sản xuất được hơn 1.800m3 sản phẩm ethanol đạt tiêu chuẩn chất lượng cung cấp ra thị trường. Sau đó, khi thị trường không thuận lợi, Nhà máy tạm dừng vận hành. Nhà máy cũng đã hoàn thành xây dựng hồ cigar để khắc phục tồn đọng kỹ thuật của hệ thống xử lý nước thải.
Trước đó, PVN đã xây dựng phương án xử lý BSR-BF, báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trên cơ sở đó Ủy ban Quản lý vốn đã báo cáo Chính phủ, Bộ Chính trị và Văn phòng Trung ương Đảng đã có thông báo kết luận của Bộ Chính trị về việc xử lý đối với 12 dự án, doanh nghiệp, đồng ý chủ trương để PVN, các cổ đông và doanh nghiệp chủ động xử lý đối với BSR - BF theo thẩm quyền và quy định pháp luật. HĐTV PVN cũng đã có Nghị quyết thông qua phương án, kế hoạch xử lý đối với các dự án NLSH và giao Người đại diện phần vốn tại BSR, PVOIL xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thực hiện.
Sau khi đi khảo sát và làm việc với các đơn vị liên quan, Chủ tịch HĐTV PVN Hoàng Quốc Vượng kết luận: quan điểm của PVN là lựa chọn phương án giảm thiểu thiệt hại nhất có thể về mặt kinh tế; các bên liên quan cần có các mốc cụ thể hoàn thành phần việc liên quan như quyết toán, tính toán các phương án trình Ban chỉ đạo xử lý các dự án khó khăn của Tập đoàn.
Tái cơ cấu các đơn vị
Tại DQS, ông Hoàng Quốc Vượng cũng đã làm việc với lãnh đạo công ty về tình hình sản xuất, kinh doanh. Theo Tổng giám đốc DQS Nguyễn Anh Minh, những khó khăn do lịch sử để lại tiếp tục làm ảnh hưởng, cản trở sự phát triển của DQS. Trước đây, DQS thuộc Vinashin, kể từ ngày 1.7.2010, DQS chuyển giao từ Vinashin sang PVN theo quyết định của Chính phủ về việc tái cơ cấu Vinashin. Sau khi chuyển giao, các vướng mắc về tài chính, đầu tư trước thời điểm chuyển giao từ Vinashin về PVN đều chưa được cấp có thẩm quyền xử lý. Vì vậy, đã ảnh hưởng xấu đến số liệu trong hồ sơ tham dự thầu; mặt khác, buộc DQS phải ghi nhận một số khoản chi phí cao hơn so với thực tế sử dụng như chi phí khấu hao tài sản cố định,... làm cho giá thành tăng cao, giảm khả năng cạnh tranh của DQS.
Về tình hình sản xuất kinh doanh, trong 7 tháng đầu năm 2022, DQS đã thực hiện được 28 đơn hàng, trong đó có 24 đơn hàng ngoài ngành. Tổng doanh thu hợp nhất thực hiện 7 tháng đầu năm 2022 đạt 365 tỷ đồng, bằng 131% so với kế hoạch.
Dự kiến trong 5 tháng cuối năm, DQS tiếp tục thi công một số hạng mục của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. DQS cũng dự kiến tiếp nhận và triển khai thi công sửa chữa các sản phẩm: giàn khoan Tam Đảo 03 và giàn khoan Cửu Long cho Vietsovpetro; một số các tàu sửa chữa trong nước, các dự án gia công kết cấu khác và một số các tàu nước ngoài như Danao Shipping, JMUS, Grandis Marine Service, Optimal, PSB,…
Theo Phó Tổng giám đốc PVN Phạm Tiến Dũng, nhất thiết phải giải quyết được những tồn tại, vướng mắc về tài chính, cơ chế thì DQS mới có thể tiếp tục phát triển. Bởi vì nếu không được khoanh nợ, giãn nợ, với cơ sở vật chất hiện tại, DQS làm cũng không đủ trả tiền lãi phạt, hồ sơ tài chính tốt để tham gia các hoạt động đấu thầu quốc tế.
Kết luận về phương án xử lý các khó khăn tại DQS, Chủ tịch HĐTV PVN Hoàng Quốc Vượng cho rằng, những khó khăn DQS đang gặp phải là hệ quả từ lịch sử. Sự quyết tâm của lãnh đạo, người lao động DQS đã giúp phần nào vực dậy công ty, bảo toàn tài sản cho nhà nước, tạo việc làm cho hơn 700 lao động với mức thu nhập khá tại địa phương. Với các giải pháp xử lý khó khăn cho DQS, phải đưa ra được phương án giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước. Phương án tốt nhất là tái cơ cấu lại DQS, xử lý các vấn đề tài chính, tài sản; khoanh nợ, giãn nợ để duy trì các hoạt động của nhà máy...