Mở rộng thị trường cho đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 5.8, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường cho khu vực này.
ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa; 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước. Giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm đạt hơn 31 tỷ USD.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp cho biết, mỗi năm tỉnh cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến trên 3 triệu tấn lúa, 500.000 tấn cá tra, hơn 400.000 tấn trái cây… và nhiều loại nông sản khác. Những năm qua, thông qua các chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, nông sản Đồng Tháp đã có mặt tại các siêu thị như Co.opmart, Big C, Satra, Lotte, Aeon, Vinmart, MM Mega martket…; 265 sản phẩm được công nhận OCOP, được quảng bá chính thức trên sàn giao dịch thương mại điện tử lớn. Trên thị trường thế giới, hàng hóa của Đồng Tháp đã có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc… hàng hóa của Đồng Tháp đều tiếp cận được.
“Hiện tại, Đồng Tháp tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp trong đó công nghiệp chế biến là chủ lực nên việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông, thủy sản đóng vai trò hết sức quan trọng”, ông Dũng chia sẻ.
Theo ông Arjen Roem, Phó Chủ tịch Tiểu ban ngành thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của Eurocham, nông sản Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm của ĐBSCL, còn rất nhiều dư địa để vào thị trường EU. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt hiện gặp nhiều khó khăn về tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ. Thực tế, Việt Nam còn phụ thuộc vào các nguyên liệu từ các nước nằm ngoài Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Bên cạnh đó, thách thức của EVFTA không chỉ ở chất lượng, số lượng sản phẩm mà còn đến từ sở thích của người tiêu dùng và các tiêu chuẩn khác như điều kiện về lao động, bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn nhà máy...

Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan Võ Thị Ngọc Điệp khuyến nghị các địa phương cần có chính sách hỗ trợ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu nhiều sản phẩm hơn đến với nước bạn; phối hợp chặt chẽ với Thương vụ để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn.
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu phải chú ý đến những quy định của EU và Hà Lan. Thường xuyên cập nhập thông tin thị trường, các rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm bao bì; chú trọng công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu. Có biện pháp xác minh kỹ đối tác trước khi tiến hành giao dịch thương mại và đầu tư, tránh những phát sinh sau này.
Để đưa các sản phẩm Việt vào thị trường Australia không quá khó, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Australia - Việt (AVBC) nói. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần tận dụng tốt các hiệp định thương mại như CPTPP, RCEP... để sản phẩm được miễn thuế khi xuất khẩu. Cùng với đó, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm là tiêu chuẩn hàng đầu. “AVBC sẵn sàng hỗ trợ kết nối giao thương ở các lĩnh vực nếu các doanh nghiệp xuất khẩu khu vực ĐBSCL có nhu cầu”, ông Sơn cam kết.