Có nhất thiết cứ phải là sân bay?

- Thứ Sáu, 23/09/2022, 14:15 - Chia sẻ

Đã  từng có thời điểm, nhiều địa phương "đua nhau" xây dựng hoặc đề xuất xây dựng cảng biển, nhà máy đường... với rất nhiều lý lẽ được đưa ra để chứng minh rằng đây là vấn đề rất cấp thiết, tính khả thi cao... Thế rồi, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng hầu hết các dự án dạng này đều không phát huy hiệu quả, hoặc có nhưng không đạt mục tiêu kỳ vọng...

Bẵng đi một thời gian, mới đây, tại nhiều địa phương lại "nổi" lên "phong trào" đề xuất xây dựng sân bay. Cụ thể là 5 tỉnh Sơn La, Tuyên Quang, Kon Tum, Ninh Thuận, Đồng Nai vừa kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải bổ sung 5 sân bay vào dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Đương nhiên, trong đề xuất, các tỉnh đều nêu những thuận lợi, tác động tích cực nếu xây dựng sân bay ở địa phương. Ví dụ như khi kiến nghị đưa sân bay Mộc Châu vào quy hoạch, UBND tỉnh Sơn La giải thích khu du lịch quốc gia Mộc Châu nằm ở cửa ngõ đặc biệt quan trọng của tỉnh và vùng Tây Bắc, là trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh cũng như cả nước. Mộc Châu có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sản phẩm nông nghiệp... Với vị trí quan trọng, tiềm năng, lợi thế nêu trên, việc quy hoạch và đầu tư phát triển sân bay Mộc Châu là cần thiết, nhằm phục vụ mục đích an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế trong thời gian tới", lãnh đạo tỉnh Sơn La đánh giá.

Hay với đề xuất xây sân bay Na Hang tại xã Năng Khả, huyện Na Hang, UBND tỉnh Tuyên Quang lý giải vị trí này dân cư thưa thớt, đất rộng, địa chất vững chắc, bằng phẳng và gần khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình, gần các tuyến giao thông quan trọng, kết nối thuận lợi với trung tâm và cửa khẩu các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn... Nếu được đầu tư xây dựng, sân bay Na Hang không chỉ phục vụ người dân đi lại tại tỉnh Tuyên Quang mà cả các tỉnh lân cận...

Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, đây là nhu cầu chính đáng nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại, kích thích du lịch, kinh tế phát triển... nhưng nếu nhìn nhận kỹ càng hơn sẽ thấy có quá nhiều bất cập. Cụ thể, như phân tích của một chuyên gia thì khi nhiều tỉnh cùng có sân bay, đương nhiên lưu lượng hành khách bị san sẻ, công suất khai thác giảm. Hơn nữa, khi đầu tư sân bay ở vùng núi hoặc nơi ít dân cư sẽ không tránh khỏi tình trạng vắng khách. Điều này có thể dẫn chứng qua việc tỉnh Tuyên Quang từng có sân bay dịch vụ hàng không nhưng do nhu cầu đi lại thấp nên phải xóa bỏ.

Một vấn đề nữa đó là khi xây dựng sân bay, phải đầu tư số vốn rất lớn. Cụ thể, ước tính để đầu tư sân bay công suất một triệu hành khách/năm cần khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng, diện tích đất phải giải phóng mặt bằng khoảng 300-500ha.

Cần nhắc lại rằng, theo số liệu cách đây chưa lâu, phần lớn các sân bay của nước ta đang trong tình trạng thua lỗ, chỉ có 6 sân bay không lỗ và 2 sân bay là Tân Sơn Nhất và Nội Bài có lãi. Trong số 22 sân bay do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác, chỉ có 6 sân bay hoạt động có lãi, 16 sân bay còn lại đang bị lỗ. Nhiều sân bay có công suất hoạt động rất thấp so với thiết kế, doanh thu không đủ bù chi phí... Còn theo số liệu mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, trước dịch Covid-19, 9/22 sân bay cả nước đón dưới 1 triệu hành khách. Cụ thể năm 2019, sân bay Rạch Giá, Kiên Giang\ đón 32.800 khách; Cà Mau 36.800 khách; Điện Biên 57.300 khách, chỉ bằng 1/8-1/5 so với công suất thiết kế.

Vậy thì những lý do mà các địa phương đưa ra để đề xuất đưa các sân bay vào liệu có thuyết phục? Và dù phát triển hạ tầng giao thông là cần thiết nhưng có nhất thiết cứ phải là cảng hàng không, là sân bay?

Ninh Khương
#