Hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Bài 1: Gian nan chống thất thu thuế

- Thứ Tư, 29/06/2022, 17:43 - Chia sẻ

Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV vừa qua, chống thất thu thuế trong thương mại điện tử là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Tuy vậy, như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc xác nhận khi trả lời chất vấn, đây là việc “rất gian nan”. Một trong những nguyên nhân bởi chính sách pháp luật về thuế còn bất cập. Do vậy, “hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử” là yêu cầu mà Quốc hội đặt ra cho ngành tài chính nhằm khắc phục những lỗ hổng hiện nay.

Thương mại điện tử bùng phát mạnh mẽ đặt ra yêu cầu phải xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý, tránh thất thu thuế. Mặc dù Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực song đây vẫn là việc hết sức gian nan.

Tiềm năng phát triển thương mại điện tử rất lớn

Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương Lê Thị Hà dẫn số liệu điều tra 47 quốc gia công bố năm 2021 cho thấy, trong đỉnh dịch Covid-19, tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu tăng mạnh lên 14,9%, trong khi năm 2019 chỉ là 10,3%. Rõ ràng, dịch bệnh ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế song vẫn là bức tranh lạc quan đối với thương mại điện tử.

Bài 1: Gian nan chống thất thu thuế -0

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính và các ngành có liên quan trong thời gian tới. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: Hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội tổ chức có liên quan để trao đổi, kết nối thông tin, quản lý thu. Hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tra đối chiếu để chống thất thu và xử lý nghiêm các vi phạm.

Tại Việt Nam, với hơn một nửa dân số dùng điện thoại thông minh và kết nối internet, tiềm năng phát triển thương mại điện tử rất lớn. Kết quả điều tra hơn 10.000 doanh nghiệp nội địa do Bộ Công thương thực hiện cho thấy, trong hai năm 2020 và 2021, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam giữ vững ở mức 17%/năm. Năm 2021, doanh thu bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, ước tính giá trị mua sắm trung bình là 270 USD/người/năm. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành thị trường phát triển thương mại điện tử nhanh nhất ASEAN vào năm 2026.

Theo Bộ Tài chính, hiện chúng ta có trên 100 sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác.

Hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử -0
Các nền tảng thương mại điện tử tạo ra doanh thu khổng lồ

Khung chính sách dần đáp ứng yêu cầu

Cùng với sự phát triển mạnh của thương mại điện tử, khung chính sách pháp luật liên quan cũng từng bước được xây dựng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cụ thể, Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định rõ đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.

Triển khai thực hiện Luật Quản lý thuế, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho Ngân hàng Nhà nước phối hợp Bộ Tài chính và các bộ có liên quan trong việc thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới trong thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.

Đáng chú ý, từ ngày 1.1.2022, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử chính thức có hiệu lực. Theo đó, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử -0
Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ có liên quan thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán xuyên biên giới trong thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác

Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, quy định rõ hơn trách nhiệm của người quản lý trên sàn thương mại điện tử, như phải cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế gồm họ tên, số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, mã số thuế, địa chỉ, tài khoản ngân hàng của người bán…

Cùng với việc hoàn thiện khung khổ chính sách, Bộ Tài chính triển khai hàng loạt giải pháp như tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ người nộp thuế, bao gồm từ hoạt động thương mại điện tử. Đầu năm nay, Bộ cũng đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax-Mobile); tổ chức thành công Lễ công bố hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc nhằm tăng cường công khai, minh bạch, chống thất thu cho ngân sách nhà nước...

Nhờ những giải pháp đồng bộ trên, việc thu thuế đối với thương mại điện tử đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Đối với thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ quan thuế đang quản lý thông qua các tổ chức tại Việt Nam (nộp thuế thay tổ chức nước ngoài) với số thu trung bình hơn 1.100 tỷ đồng/năm. Từ năm 2018 đến hết tháng 4.2022, các đơn vị này đã khai, nộp thuế với tổng số tiền hơn 5.111 tỷ đồng, trong đó Facebook nộp 1.965 tỷ đồng; Google nộp 1.902 tỷ đồng; Microsoft nộp 651 tỷ đồng. Với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ dịch vụ, thương mại xuyên biên giới, lũy kế đến hết tháng 4.2022, cơ quan thuế đã thu 735 tỷ đồng từ xử lý vi phạm, chống thất thu thuế, trong đó riêng 4 tháng đầu năm 2022 là 176 tỷ đồng.

Thất thu vẫn rất lớn

Tuy nhiên, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc xác nhận việc thu thuế thương mại điện tử rất gian nan. Hiện, “chúng ta đang thất thu rất lớn đối với sàn thương mại điện tử và kinh doanh công nghệ”, Bộ trưởng phát biểu.

Hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử -0
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV

Lý giải rõ hơn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, một phần nguyên nhân bởi sàn thương mại điện tử có máy chủ đặt ở nước ngoài nên khó trong việc quản lý. Mặt khác, phương thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn và đây là trở ngại trong thu thuế. Đối với các tập đoàn công nghệ như You Tube, Google, Microsoft… đã đăng ký nộp thuế đầy đủ. Tuy nhiên, với các mặt hàng bán lẻ qua Zalo, Facebook, thanh toán nhận hàng trả bằng tiền mặt đang là khoản thất thu rất lớn. Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành khác để đấu tranh trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.

Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh cá nhân, Tổng cục Thuế Nguyễn Thị Lan Anh bổ sung, trên nền tảng số, các tổ chức, cá nhân có thể kinh doanh xuyên biên giới mà không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống. Doanh nghiệp, cá nhân có thể phân bổ thu nhập về nơi có lợi nhất về thuế nên rất khó quản lý hết nguồn thu và căn cứ tính thuế.

Bên cạnh đó, trong kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ và lợi nhuận kinh doanh với phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, các ứng dụng đăng tải trên mạng xã hội. Các giao dịch hoàn toàn thực hiện bằng phương thức điện tử, máy chủ có thể đặt tại nước ngoài, một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch thương mại điện tử và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội… nên khó kiểm soát giao dịch.

Hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử -0
Thương mại điện tử có những tính chất đặc thù, như: quy mô hoạt động rộng trên môi trường internet có tính phi biên giới, dễ dàng thay đổi, che giấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch... vì vậy vấn đề quản lý thu thuế gặp nhiều thách thức

Ngoài ra, theo các chuyên gia, số lượng các cá nhân kinh doanh lớn, phức tạp và ý thức tuân thủ pháp luật về thuế trong cộng đồng còn hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến thất thu thuế nói chung và trong lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng. Mặt khác, hệ thống pháp luật liên quan đến thương mại điện tử chưa được đồng nhất và hoàn thiện, trong khi công tác thanh kiểm tra hoạt động này cũng khác xa so với hoạt động kinh doanh truyền thống cũng là thách thức không nhỏ với công tác quản lý thuế.

Thất thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ cho xã hội. Đó không chỉ tạo ra tiền lệ xấu cho tổ chức, cá nhân có hành vi trốn thuế ma còn không bảo đảm công bằng về nghĩa vụ nộp thuế. Do vậy, hoàn thiện quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho ngành tài chính hiện nay.

Vũ Minh
#