Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, năng lượng và an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ. “Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt ngày 18.3.2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) thì từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.
Cũng theo kịch bản này thì nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 sẽ tương ứng là 235 tỷ kWh, 352 tỷ kWh và 506 tỷ kWh (tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 192,93 tỷ kWh). Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới, cụ thể là 10,6%/năm (giai đoạn 2016 - 2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026 - 2030). Nếu tổng công suất đặt của toàn hệ thống hiện nay là khoảng 54.000 MW (bao gồm cả năng lượng tái tạo) thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60.000 MW và dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030. Đây là một thách thức lớn đặt ra với ngành năng lượng trong việc bảo đảm thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.
Đồng tình quan điểm trên, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam Nguyễn Quân nêu vấn đề, phát triển năng lượng, an ninh lượng là vấn đề sống còn của quốc gia trong phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng việc sử dụng thế nào để tiết kiệm năng lượng hiệu quả là vấn đề các quốc gia phải đặt ra.
Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát thông tin thêm, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì cùng các bộ, ban ngành, trước hết là Bộ Công Thương tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược năng lượng quốc gia. Điều quan trọng là phải đề ra phương hướng, giải pháp cho giai đoạn tới.
“Ban Kinh tế Trung ương đã tiến hành cùng Bộ Công Thương khảo sát trong nước và ngoài nước, cũng như trao đổi tại nhiều hội nghị, hội thảo, hiểu rằng trong Chiến lược quốc gia giai đoạn tới, tiết kiệm năng lượng phải được coi là giải pháp năng lượng hàng đầu”- ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Diễn đàn Năng lượng Việt Nam: Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững |
Báo cáo của Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đưa ra trong diễn đàn cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015 đã đạt được mục tiêu tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước, tương đương với việc tiết kiệm từ 11-17 triệu TOE (đơn vị tiêu thụ năng lượng). Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần trong giai đoạn 2011-2015, đáng kể như ngành Thép (giảm 8,09%); ngành Xi măng (giảm 6,33%); ngành Dệt sợi (giảm 7,32%).
Gợi mở những giải pháp tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy điện, nâng cao hiệu quả vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện. Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho hay, EVN đã ban hành quy trình kiểm toán năng lượng cho các loại hình nhà máy điện để thống nhất tiến hành đo đạc, lập hồ sơ, đánh giá và triển khai thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong các nhà máy điện. Phối hợp với các Hiệp hội, các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có chuyên môn sâu để hợp tác đào tạo chuyên gia, ứng dụng công nghệ cao cho công tác vận hành, sửa chữa nhà máy điện và hệ thống điện. Bên cạnh đó, EVN từng bước áp dụng biện pháp sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị theo trọng tâm độ tin cậy (RCM), để nâng cao ổn định, an toàn trong vận hành nhà máy điện và lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối. Mặt khác, cũng phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước khuyến khích, thúc đẩy đầu tư xây dựng điện mặt trời áp mái, năng lượng tái tạo tại chỗ nhằm bổ sung nguồn năng lượng cho hệ thống điện quốc gia.
Nhằm tiếp nối các kết quả thành công đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 1 và giai đoạn 2, đồng thời đưa ra một kế hoạch và chiến lược dài hạn với định hướng rõ ràng cho các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã xây dựng “Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030".
Trong tháng 3.2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025 và từ 8 - 10% trong giai đoạn 2019 - 2030.