Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về phương pháp điều tra bất hợp pháp và các thủ đoạn khai thác gỗ trái phép; phương thức xác định mục tiêu mà cơ quan hải quan áp dụng để phát hiện hoạt động thương mại gỗ bất hợp pháp; điều tra hành vi buôn bán kinh doanh trái phép các loài gỗ được bảo vệ và có nguy cơ tuyệt chủng trong Công ước Cites như gỗ trắc (gỗ hồng sắc); điều tra tội phạm tài chính liên quan đến khai thác gỗ trái phép và nỗ lực mà các tổ chức quốc tế như Interpol và Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) đang thực hiện để phòng ngừa ngăn chặn hoạt động khai thác và buôn bán gỗ trái phép.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng phòng Điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp, Cục Kiểm Lâm Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Hiện nay các quy định pháp luật về chống khai thác gỗ trái phép và các hoạt động thương mại liên quan tại Việt Nam khá đầy đủ và chi tiết. Cụ thể, các quy định có nêu mức xử phạt vi phạm hành chính về khai thác vận chuyển, chế biến, mua bán gỗ trái pháp luật (Nghị định số 157/2014/NĐ/CP ngày 11.11.2013); điều tra, khởi tố tội phạm về khai thác bảo vệ rừng và quản lý lâm sản… Do vậy, tội phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp đã giảm rất nhiều so với trước; các vụ vi phạm chủ yếu xảy ra đối với khu vực rừng kinh tế. Mặc dù vậy, tội phạm về mua bán trái phép gỗ, các sản phẩm chế biến từ lâm sản vẫn tiếp diễn, số vụ tuy có giảm nhưng gia tăng về mức độ tinh vi, đối tượng phạm tội tìm mọi phương thức trong việc khai thác, vận chuyển, chế biến thành sản phẩm… để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức nặng. Vì vậy, để việc thực thi pháp luật chống khai thác gỗ trái phép, cần có sự đầu tư nhiều hơn trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như trang bị thiết bị định vị, quan sát, ghi hình chuyên biệt vào ban đêm cho lực lượng chức năng để có thể xác định được hành vi phạm tội; đầu tư xe chuyên dụng để kịp thời phát hiện, bắt giữ, qua đó thiết lập hồ sơ đúng để chuyển cơ quan điều tra nhằm bảo đảm tính khách quan…