Quang cảnh hội thảo. (Ảnh TTXVN) |
*Giải pháp thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại
Ông Mahmoud Mohieldin, Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển, Quan hệ và đối tác với Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới cho rằng, để thúc đẩy thực thi Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cần có sự hợp tác ngay từ nội bộ các quốc gia. Việc thiếu sự trao đổi, điều phối giữa các cơ quan trong mỗi quốc gia sẽ làm chậm tiến độ công việc, làm ảnh hưởng tới cộng đồng xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Qua công tác theo dõi, giám sát những dòng thương mại xuyên biên giới và xác định những thực tiễn tốt dựa trên những điều khoản về thuận lợi hoá thương mại ở các quốc gia của Tổ chức Thương mại Thế giới, ông Mahmoud Mohieldin nhận thấy: Tiêu chí đầu tiên nhằm giảm thiểu tình trạng tham nhũng và rút ngắn quá trình làm việc giữa cơ quan chức năng và các doanh nghiệp là thu gọn thời gian thông quan và xử lý quy trình hồ sơ. Bên cạnh đó, hợp tác công tư giúp chia sẻ chi phí về vận tải và quá trình xử lý hồ sơ. Việc thanh tra, kiểm tra cần được tiến hành thường xuyên với nhiều phương pháp khác nhau để đảm bảo không cá nhân, tổ chức đơn vị nào có thể vi phạm các quy định. Hiệu quả của công tác quảng bá và thúc đẩy các sản phẩm cũng là một vấn đề quan trọng khi hiện nay vẫn còn nhiều thông tin về sản phẩm được chia sẻ chưa hoàn toàn chính xác.
Ông Mahmoud Mohieldin khẳng định: Hiệp định thuận lợi hóa thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) triển khai từ 22.2.2017 là dấu mốc quan trọng của hệ thống thương mại toàn cầu. Từ Hiệp định này, các quốc gia, tổ chức quốc tế, chuyên gia sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ các giải pháp thúc đẩy thương mại cho các quốc gia tham gia Hiệp định nhằm mục tiêu cuối cùng là xóa đói giảm nghèo, mang đến thịnh vượng cho các quốc gia.
Để thúc đẩy thực thi Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới, đặc biệt là đối với các nước không có biển và trung chuyển, ông Raul Torres, Tham tán Phòng Phát triển Tổ chức Thương mại Thế giới cho biết, đến thời điểm này, 17 quốc gia không có biển đã phê chuẩn Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại; cùng với đó là 21 công cụ được chấp nhận từ 21 quốc gia trung chuyển trong đó có Việt Nam. Trong số các biện pháp thuận lợi hóa thương mại được đưa ra tại Hiệp định này, Tổ chức Thương mại Thế giới xác định nhiều biện pháp về tự do trung chuyển, hợp tác cửa khẩu, công nghệ thông tin…và nhiều biện pháp về trung chuyển liên quan đến các quốc gia không có biển.
Ông Raul Torres cho rằng, việc sử dụng Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại sẽ giúp các nước phát triển bền vững, thúc đẩy thương mại, góp phần vào sự phát triển của năng lực tư nhân, quá trình hội nhập và các cam kết quốc tế. Ông Raul Torres nêu rõ, để có thể thúc đẩy thực thi Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại, các quốc gia cần triển khai 9 điểm gồm: Tiếp tục thông qua Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại để giảm chi phí thương mại, giảm rào cản ở biên giới; kết nối giữa phát triển hạ tầng và tăng trưởng thương mại; chuẩn hóa các đánh giá về tăng trưởng thương mại; thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ; thúc đẩy các quy định về xuất xứ, các tiêu chuẩn hài hòa hóa giữa các quốc gia tham gia Hiệp định; có giải pháp giảm tác động tiêu cực của các hàng rào phi thuế quan; thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử; khuyến khích sự phát triển của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ; làm sâu sắc hơn nữa hệ thống thương mại đa phương thông qua các cuộc đàm phán thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới.
*Tham gia vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường bộ
Chia sẻ về những lợi ích khi các quốc gia tham gia Công ước Hải quan về vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường bộ (TIR), ông Jens Hugel, Vụ trưởng Vụ Vận tải hàng hóa và Phát triển bền vững thuộc Hiệp hội Vận tải đường bộ quốc tế cho biết, theo số liệu nghiên cứu của Hiệp hội Vận tải đường bộ quốc tế, 57% thời gian vận tải đã bị lãng phí trong quá trình chờ làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu. Điều này cũng gây lãng phí thời gian, nhiên liệu, sức khỏe của các nhân viên vận tải; đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho nạn tham nhũng.
Ông Jens Hugel cho rằng, Công ước TIR của Liên hợp quốc không chỉ có tác dụng đối với các quốc gia không có biển, các quốc gia đang phát triển mà còn có lợi ích tuyệt vời đối với các quốc gia kém phát triển. Hiệp hội vận tải đường bộ quốc tế cũng định lượng hóa lợi ích của TIR với các quốc gia này. Việc tham gia Công ước này giúp các quốc gia kém phát triển tiết kiệm 35 tỷ USD tiền phí trung chuyển trong 5 năm, tăng GDP từ 0,14 đến 1,31 %.
Ông André Sceia, Ban Thư ký Công ước Hải quan về vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường bộ, Phòng Vận tải, Hội đồng kinh tế Liên hợp quốc khu vực châu Âu cho rằng, việc các quốc gia cần làm hiện nay là thúc đẩy sự hài hoà trong quy trình về thông quan tại các cửa khẩu quốc gia. Theo đó, hàng hoá xuất nhập khẩu phải có giấy phép bảo lãnh ở cấp quốc tế để đảm bảo tính tuân thủ Công ước Hải quan về vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường bộ. Việc chia sẻ thông tin hải quan, thông tin giữa các khu vực tư nhân với nhau cũng cần được thực hiện trên cơ sở không làm ảnh hưởng đến quá trình thương mại của từng quốc gia. Hiện nay, Công ước Hải quan về vận chuyển hàng hóa quốc tế bằng đường bộ và những loại hình vận tải khác có liên quan đã được triển khai với các quy định về kĩ thuật và độ an toàn của phương tiện vận tải. Quá trình tiếp cận cũng như các điều khoản liên quan đến phương tiện và người điều khiển phương tiện cũng được kiểm soát.
Cũng theo ông André Sceia, Công ước sử dụng một công cụ bảo lãnh quốc tế duy nhất. Theo đó, một bộ hồ sơ có thể được sử dụng trong hệ thống các quốc gia thành viên Công ước. Hồ sơ này hiện đang được hoàn thiện bản điện tử với Dự án TIR về quy trình vận tải. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp giảm thiểu lượng hồ sơ giấy, tăng cường hoạt động điện tử trong quy trình vận tải, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hải quan, từ đó nâng cao khả năng đánh giá rủi ro của các cơ quan chức năng.