5 năm trước, các chuyên gia nghiên cứu thị trường quốc tế khi nhận định về tiềm năng sức mua của thị trường nội địa đã không khỏi e ngại vì , các nhà sản xuất trong nước chỉ chăm chăm nhắm đến cái đích mở rộng thị trường xuất khẩu chứ không mặn mà gì với thị trường nhà. Bởi thế nên mới có chuyện: cái gì ngon, tốt, đẹp ta mang xuất khẩu, còn sản phẩm kém chất lượng hơn thì để lại tiêu thụ trong nước. Một phần tâm lý sính ngoại của người dân cũng là vì không được tiêu dùng những sản phẩm chất lượng do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007, thị trường thế giới co hẹp, nhiều doanh nghiệp mới như bừng tỉnh, quay lại sân nhà, dù duy trì được sản xuất nhưng rất vất vả và lúng túng khi thị trường nhà vừa quen lại vừa lạ.
Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Bộ Chính trị phát động đã thực sự tạo ra một cách nhìn mới cho toàn xã hội, không chỉ vận động người tiêu dùng Việt ưu tiên, tạo thói quen tiêu dùng hàng Việt, mà còn tác động tới tư duy quản lý của các bộ, ngành, địa phương và định hướng kinh doanh của các doanh nghiệp. Kết quả điều tra xã hội học về tỷ lệ người quan tâm đến hàng Việt đã tăng lên. Doanh số thu được từ những đợt đưa hàng Việt về nông thôn khả quan đã cho thấy hiệu quả bước đầu, chứng minh Cuộc vận động đã đi vào nội dung, không chỉ dừng lại ở phong trào.
Tuy nhiên, để cuộc vận động đi vào chiều sâu, thực sự có sức lan tỏa, cần có những điều kiện đủ.
Thứ nhất, yếu tố mang tính quyết định, đó là doanh nghiệp phải nỗ lực ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chung sức liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối đưa hàng hóa đến người tiêu dùng, đặc biệt là khu vực nông thôn với giá cả hợp lý. Giữ chữ tín với người tiêu dùng từ chất lượng sản phẩm cho tới khâu dịch vụ, chăm sóc khách hàng.
Thứ hai, cơ quan quản lý cần rà soát, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lưu thông hàng hóa trên thị trường nội địa không trái với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới. Đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và nạn hàng giả, hàng nhái. Tăng cường đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ để tăng chất lượng sản phẩm, từ lĩnh vực nông nghiệp cho tới công nghiệp.
Thứ ba, người tiêu dùng- đối tượng chính mà Cuộc vận động hướng tới - sẽ trở thành người tiêu dùng có trách nhiệm, nếu chúng ta đưa ra những quyết định phù hợp trong tiêu dùng. Từ lãnh đạo cho tới người dân, quyết định mua sắm của từng người có thể sẽ góp phần khôi phục, phát triển một ngành sản xuất, tạo việc làm cho nhiều người và đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Và đối tượng tiêu dùng lớn nhất, bên cạnh người tiêu dùng cuối cùng - chính là các doanh nghiệp: nếu liên kết, xây dựng được thị trường nội bộ, ưu tiên tiêu dùng sản phẩm trong nước thì đây chính là động lực quan trọng cho sản xuất, tiêu dùng hàng Việt.
Nhìn vào thực tế thị trường nội địa hiện nay còn rất nhiều điều trăn trở. Là một nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới, chúng ta vẫn nhập cám gạo cho chăn nuôi; cái tăm tre ngoại cũng len lỏi vào thị trường, và chiếm đến hơn nửa thị phần tăm tre trong nước; hàng dệt may, giày dép từ cao cấp đến bình dân thì từ nông thôn đến thành thị tràn ngập đồ Trung Quốc... Hàng Việt sẽ có chỗ đứng như thế nào trên thị trường nội địa tiềm năng, có sức mua tăng tới gần 20% mỗi năm? Câu trả lời phụ thuộc vào nỗ lực của từng cá nhân, tổ chức trong cộng đồng chúng ta, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bước sang năm thứ hai, sẽ tạo được bước chuyển quan trọng, tiếp theo kết quả đáng mừng sau một năm người Việt đã bắt đầu ưu tiên dùng hàng Việt.