Hệ thống kho bạc thúc đẩy giải ngân đầu tư công

- Thứ Hai, 16/05/2022, 07:09 - Chia sẻ

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm nay rất lớn, bởi ngoài nguồn vốn theo kế hoạch trung hạn, các bộ, ngành, địa phương còn phải thực hiện nhiệm vụ giải ngân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Là cơ quan kiểm soát chi, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) triển khai nhiều giải pháp góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Nhiệm vụ nặng nề

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm nay đạt 18,48% kế hoạch được giao, tương đương cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, có 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân được đồng nào và vẫn còn hơn 38,5 nghìn tỷ đồng chưa được các bộ, ngành, địa phương phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án, bằng 7,4% kế hoạch Thủ tướng giao.

Ở TP. Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế cả nước, lũy kế 4 tháng đầu năm mới giải ngân được hơn 6 nghìn tỷ đồng, đạt 19% kế hoạch năm và giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2021. Các dự án trọng điểm đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, dự án chống ngập 10 nghìn tỷ đồng đang tạm ngưng do vướng mắc ký phụ lục hợp đồng, thủ tục thanh toán. Một số gói thầu của Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thành dự án. Đối với dự án tuyến đường sắt Metro số 2, công tác giải phóng mặt bằng tại quận 3 chưa hoàn tất, công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu chính... đang bị chậm tiến độ.

Tại Quảng Trị, hết tháng 4 toàn tỉnh mới giải ngân vốn đầu tư công được trên 310 tỷ đồng, đạt 9% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022. Đáng chú ý, nguồn vốn ODA đến nay vẫn chưa giải ngân. Ngoài nguyên nhân do tác động bởi dịch Covid-19 khiến giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng cao, khiến các công trình bị chậm lại, thì đối với các dự án ODA, do quá trình thực hiện phải tuân thủ theo quy trình của nhà tài trợ, qua nhiều bước, các bước thực hiện phải xin ý kiến của nhà tài trợ. Một số dự án đang trong quá trình tổng hợp danh mục thiết bị từ dự án thành phần để chuẩn bị thủ tục đấu thầu quốc tế... dẫn đến chưa giải ngân được.

Theo Ủy ban Kinh tế, năm 2022, áp lực giải ngân vốn đầu tư công năm nay rất nặng nề. Bởi ngoài nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, các bộ, ngành, địa phương còn phải thực hiện nhiệm vụ giải ngân theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, thời gian vừa qua công tác chuẩn bị đầu tư còn nhiều hạn chế nên sẽ ảnh hưởng lớn đến việc giải ngân.

3654_Van_Ban_lao_cai (1).jpeg
Hệ thống Kho bạc Nhà nước triển khai nhiều giải pháp góp phần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
Nguồn: ITN

Kho bạc xác định lộ trình giải ngân cho từng hợp đồng

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đến ngày 30.4 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao hoặc có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Với vai trò là cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn, hệ thống KBNN đã triển khai nhiều giải pháp góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm hiệu quả đầu tư. Tháng 3 vừa qua, KBNN ban hành quy trình kiểm soát, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công qua hệ thống KBNN. Theo đó, KBNN áp dụng phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” đối với khoản chi có hợp đồng và thực hiện thanh toán nhiều lần cho đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng. Đến khi giá trị giải ngân đạt 80% giá trị hợp đồng thì chuyển sang hình thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” cho đến khi thanh toán hết giá trị hợp đồng. Trường hợp phát hiện hồ sơ đề nghị thanh toán chưa bảo đảm thì chậm nhất trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của chủ đầu tư, KBNN phải thông báo cụ thể lý do từ chối thanh toán, gửi một lần cho chủ đầu tư để hoàn thiện, bổ sung theo quy định.

Từ đầu năm đến nay, các đơn vị kho bạc đã tổ chức đối thoại với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (chủ đầu tư) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ông Lê Thái Vỹ, Giám đốc KBNN tỉnh Ninh Thuận cho biết, trên cơ sở kế hoạch vốn năm 2022, KBNN tỉnh và các chủ đầu tư trao đổi và nắm bắt tiến độ thực hiện các hợp đồng, công việc của từng dự án; phân tích, đánh giá và thống nhất các biện pháp phối hợp trong công tác giao nhận hồ sơ, chứng từ theo tiến độ thực hiện. Từ đó xác định lộ trình giải ngân cho từng hợp đồng, công việc cụ thể, không để bị động hoặc dồn ứ công việc vào cuối quý, cuối năm.

KBNN tỉnh Ninh Thuận cũng lưu ý chủ đầu tư cần kiểm tra, rà soát thông tin, dữ liệu kê khai trên hồ sơ, chứng từ bảo đảm đầy đủ, chính xác trước khi gửi đến kho bạc. Điều này giúp hạn chế thấp nhất những sai sót buộc Kho bạc phải từ chối tiếp nhận, sẽ mất nhiều thời gian để hoàn thiện, nhất là trong điều kiện thực hiện giao dịch trực tuyến trên Cổng dịch vụ công KBNN.

Tiểu Phong