- Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về mức lãi suất cho vay theo thỏa thuận nhưng không quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Theo ông, điều luật này còn phù hợp với thực tế thị trường cung cầu vốn ở nước ta hay không?
- Trong 10 năm Bộ Luật Dân sự có hiệu lực thi hành, thì điều khoản này (Điều 476) đã thể hiện sự bất cập. Bởi trên thực tế, các mức lãi suất hiện hữu trên thị trường đã vượt xa mức quy định này. Vì theo Điều 476, căn cứ theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm đó, các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính không được cho vay vượt mức 13,5%/năm. Tuy nhiên, có những thời điểm lãi suất bình quân các ngân hàng thương mại cho vay lên tới 25%, thậm chí 28%, 30%; có những khoản vay nóng, vay đột xuất lãi suất lên tới 50% - 60%, mà vẫn không bị “thổi còi”. Tại sao lại như thế? Bởi vì thực tiễn ở nước ta doanh nghiệp luôn thiếu vốn, và trong kinh tế thị trường thì luôn xuất hiện những cơ hội chớp nhoáng mà ai chớp được thời cơ sẽ thắng. Cho nên ngay cả vay với lãi suất cao mà người vay chấp nhận được thì họ vẫn vay. Chỉ khi nào mức lãi suất cho vay cao hơn lãi suất cơ bản tới 10 lần mới bị xem xét là có phạm luật hay không, nhưng ngay cả điều này cũng chỉ xảy ra khi bên đi vay có khởi kiện.
- Tại Kỳ họp này, QH dự kiến sẽ sửa điều khoản theo hướng nâng từ 150% lên 200% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Có nghĩa là với mức lãi suất cơ bản hiện nay, thì mức lãi suất cho vay cao nhất không được quá 18%/năm. Theo ông, việc sửa đổi này có ý nghĩa gì?
- Theo tôi, việc sửa đổi từ mức 13,5%/năm lên mức 18%/năm, chỉ có ý nghĩa một chút đối với những khoản vay bình thường, trong điều kiện bình thường, nghĩa là có nới rộng nhưng vẫn chưa tháo được nút thắt trong lãi suất. Và dự thảo vẫn giữ nguyên sự không hợp lý của Bộ luật Dân sự 2005. Còn thực tế ngoài xã hội có rất nhiều khoản cho vay hiện hữu đang có lãi suất cao hơn 30%; như vay khi chi tiêu thẻ tín dụng, vay tiêu dùng từ các công ty tài chính… Đây là câu chuyện của thị trường, khi có cầu, thì có cung. Và các tổ chức tín dụng được quyền đánh giá mức độ rủi ro của khoản vay để quyết định mức lãi suất mà bên vay có thể chịu được. Có những khoản ngân hàng cho vay rất thấp, chỉ từ 5% đến 6%/năm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, dành cho đối tượng ưu tiên, trong khi lãi suất huy động vào ngân hàng phải trả 5% đến 6% cho người gửi tiền. Vì thế, Bộ luật Dân sự sửa đổi cần phù hợp để cả người dân và các tổ chức tín dụng không vi phạm.
- Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng cần có mốc làm căn cứ xác định hành vi cho vay nặng lãi?
- Nếu quy định trần lãi suất như thế thì phải có một căn cứ, một cơ sở khoa học, chứ ấn định 200% lãi suất cơ bản như dự thảo thì chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Và vì thế, mọi người sẽ dễ dàng vi phạm mà vẫn không bị xử lý. Như vậy sẽ làm mất tính tôn nghiêm của pháp luật. Bộ luật Dân sự có thể đặt ra một con số cụ thể, nếu ai vượt mốc này sẽ căn cứ theo quy định hiện hành để xử lý. Về phía các ngân hàng, dù luật không quy định trần thì họ vẫn phải tuân theo quy luật thị trường, tuân thủ quy luật cung - cầu trên thị trường vốn. Nếu chỉ sửa đổi như Dự thảo lần này thì không phù hợp thực tiễn.
- Vậy theo ông, việc chỉnh sửa Bộ luật Dân sự lần này nên theo hướng như thế nào để có thể chống hành vi cho vay nặng lãi một cách hiệu quả?
- Theo tôi, để chống hành vi cho vay nặng lãi cần bắt đầu từ việc xác lập quyền và trách nhiệm của chủ thể cho vay. Nghĩa là anh phải đáp ứng các điều kiện của pháp luật chuyên ngành thì mới được thực thi việc cho vay một cách chuyên nghiệp chứ không nhất thiết phải hình sự hóa nó. Nếu anh có hành vi cưỡng ép, lừa gạt, lôi kéo người vay vào mê hồn trận khiến người ta không làm chủ hành vi của mình để thu lợi thì cần xử lý hành chính, xử lý dân sự. Điều quan trọng nhất là phải quy định rõ: vi phạm đến đâu, mức độ như thế nào là phạm tội, thì người dân mới biết để tuân thủ luật. Nếu chúng ta không thay đổi cách nghĩ này, sẽ gây cản trở tiến trình tự do hóa lãi suất, vô hình trung chúng ta không thừa nhận quy luật thị trường, là đi ngược với mong muốn cải cách và hội nhập kinh tế của nước ta.
- Xin cám ơn ông!