Cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá cả

- Thứ Hai, 16/05/2022, 07:10 - Chia sẻ

 Trong bối cảnh Việt Nam thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương LÊ TRIỆU DŨNG khuyến cáo, các ngành và doanh nghiệp xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng thị trường, tăng cạnh tranh bằng chất lượng thay vì giá cả để tránh rủi ro về phòng vệ thương mại.

Cốt lõi là tăng cường hệ thống pháp luật     

- Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với gỗ dán cứng từ Việt Nam. Ông có thể chia sẻ đôi nét về vụ việc này? 

52e110cfef4a9aa084fb6a78b6432852.jpg

- Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một trong những mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu đáng kể sang Hoa Kỳ, giai đoạn điều tra (2019), kim ngạch xuất khẩu gỗ dán cứng của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 309 triệu USD. Đây là lần gia hạn thứ 3 của Hoa Kỳ và thời gian gia hạn dự kiến đến ngày 17.10.2022.

Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan, đặc biệt là hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán cứng, theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ việc để có phương hướng ứng phó phù hợp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

- Thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp Việt Nam mở rộng cơ hội xuất khẩu song rủi ro về phòng vệ thương mại cũng gia tăng. Hệ thống pháp luật về vấn đề này đã được hoàn thiện như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp?

- Từ năm 2016 đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng vệ thương mại đã được xây dựng, củng cố từng bước và tương đối đầy đủ, phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Đặc biệt, trong 3 năm qua, Bộ Công thương đã ban hành 4 Thông tư hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong các FTA mà Việt Nam tham gia như CPTPP; EVFTA; UKVFTA; RCEP. Đây là bước đi quan trọng trong việc hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước và lợi ích người tiêu dùng.

- Ở chiều ngược lại, các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng với hàng nhập khẩu mang lại hiệu quả như thế nào?

- Các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng với hàng nhập khẩu đang bảo vệ các ngành sản xuất trong nước chiếm đến 10,27% GDP của Việt Nam (ước tính theo GDP năm 2021) và tạo công ăn việc làm 150.000 lao động.

Ở góc độ tiêu dùng, các biện pháp phòng vệ thương mại trong dài hạn giúp nền kinh tế không bị phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, đem lại sự ổn định và chống chịu tốt hơn trước cú sốc bên ngoài. Đồng thời, tăng khả năng tận dụng cam kết trong các FTA, làm giảm nguy cơ bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do đã chủ động và bảo vệ được nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước.

Tránh phát triển quá nóng!

- Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia nhiều FTA, ông có khuyến nghị gì để doanh nghiệp tránh rủi ro, tận dụng tốt cơ hội?

- Các FTA đang dần được thực thi toàn diện là yếu tố quan trọng hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ và Bộ Công thương, các ngành sản xuất, xuất khẩu và doanh nghiệp Việt cần xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng thị trường, tránh phát triển quá nóng, tăng cạnh tranh bằng chất lượng thay vì bằng giá. Cân nhắc các rủi ro về phòng vệ thương mại khi xây dựng chiến lược sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu, trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại. Chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại, tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ. Đặc biệt, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương trong quá trình xử lý vụ việc.

2453_cptpp-1_copy-1652661256025.jpeg
Phòng vệ thương mại tốt sẽ bảo vệ lợi ích cho hàng xuất khẩu
Nguồn: ITN

- Thời gian tới, Bộ Công thương có những hoạt động trọng tâm nào trong lĩnh vực này?

- Trong tháng 4.2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,26 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, xuất khẩu thu về khoảng 122,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Để giữ vững kết quả này, Bộ tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại… Phối hợp với cơ quan hải quan trong và ngoài nước tăng cường cảnh báo, phổ biến kiến thức pháp luật về gian lận xuất xứ. Tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và ứng phó với các vụ kiện của nước ngoài nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Nhung thực hiện