
- Trưởng ban Lưu Đức Khải: Có thể thấy, hiện tượng người nông dân bỏ hoang ruộng đất ở các tỉnh thành trong cả nước thời gian qua là một sự lãng phí nguồn lực lớn, trong bối cảnh nguồn lực đất đai ngày càng khan hiếm.
Để khắc phục tình trạng này, trước mắt, cần có giải pháp cụ thể để chuyển đất nông nghiệp từ những người không có nhu cầu sử dụng sang cho người thực sự có nhu cầu sử dụng đất. Khi đó, những người nông dân có khả năng phát triển sản xuất kinh doanh sẽ tập trung nguồn lực và sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả. Các giải pháp đưa ra làm sao để khuyến khích người dân chuyển nhượng, chuyển đổi đất nông nghiệp, hình thành các khu sản xuất nông nghiệp lớn như mô hình cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn chặt với nhu cầu thị trường.
Về lâu dài, chính sách quản lý và sử dụng đất đai cần phải điều chỉnh theo hướng hợp lý, hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần tập trung các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn. Nhà nước đưa ra các cơ chế hỗ trợ cần thiết để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, đồng thời hỗ trợ để người dân yên tâm canh tác và canh tác có hiệu quả trên mảnh đất của mình.
Vấn đề sâu xa ở đây là cần phải xem xét tái cấu trúc lại nông nghiệp, phân bổ lại các nguồn lực trong nông nghiệp một cách hiệu quả hơn; hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa lớn. Chuyển nền sản xuất nông nghiệp từ tự cấp tự túc sang nền sản xuất hàng hóa, sản xuất những sản phẩm thị trường cần; tăng cường xuất khẩu, đưa nông nghiệp nước ta tham gia vào chuỗi nông sản toàn cầu với giá trị gia tăng cao.
- Bên cạnh tình trạng bỏ ruộng, thời gian qua còn diễn ra tình trạng người dân ở một số địa phương không đến các cơ quan quản lý nhận sổ đỏ. Liệu người dân có yên tâm canh tác hay không khi họ không nhận sổ đỏ, thưa Ông?
![]() Nguồn: vnanet.vn |
Tôi cho rằng, việc người dân có hay không nhận sổ đỏ không quan trọng bằng việc mảnh đất ấy có sổ đỏ hay không. Người dân không nhận sổ đỏ có thể do các nguyên nhân như thấy rằng việc giữ sổ đỏ ở trong nhà không an toàn nên người dân có thể để ở cơ quan nhà nước cho an toàn hơn, khi nào có nhu cầu và cần giao dịch thì người ta đến lấy. Ngoài ra, theo quy định, khi người dân nhận sổ đỏ thì phải trả một khoản lệ phí, đối với một số hộ dân chưa có tiền nộp lệ phí nên chưa nhận. Hoặc cũng có trường hợp một số hộ dân khi nhận sổ đỏ thì phải thực hiện một số nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan nhà nước ở địa phương mà trước đây họ chưa thực hiện, do vậy người dân e ngại không đến nhận.
- Ông có đề cập đến giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhưng thực tế thì đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp còn quá ít ỏi, mặc dù một số nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm trong xây dựng chuỗi giá trị và phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp?
- Trưởng ban Lưu Đức Khải: Nhìn chung, không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà ngay cả các nhà đầu tư trong nước cũng không mặn mà với việc đầu tư vào nông nghiệp. Thực tế, đây là lĩnh vực có suất lợi nhuận thấp hơn so với các ngành kinh tế khác. Một đặc điểm đặc thù của sản xuất nông nghiệp là chứa đựng nhiều rủi ro bởi các yếu tố thời tiết thiên nhiên, dịch bệnh.
Bên cạnh nguyên nhân đặc thù này, nông nghiệp Việt Nam còn tồn tại lớn xuất phát từ nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún với hệ thống hạ tầng nông nghiệp lạc hậu, hiệu xuất rất thấp, nền công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản còn bé nhỏ… Chính hai yếu tố này là nguyên nhân chính khiến đầu tư nói chung và đầu tư nước ngoài nói riêng vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua chưa có nhiều.
- Thưa Ông, trong khi sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro thì tại sao bảo hiểm nông nghiệp lại chậm được triển khai?
- Trưởng ban Lưu Đức Khải: Bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai thí điểm tại một số tỉnh từ năm 2012 đến nay. Tới đây, Bộ Tài chính sẽ có tổng kết thí điểm. Bên cạnh một số kết quả tích cực, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp còn nhiều hạn chế và chưa được nhiều là bởi nhiều lý do. Trước hết, rủi ro trong nông nghiệp là rất lớn, các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp luôn chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Kinh doanh bảo hiểm nông nghiệp thì rủi ro lớn nên các doanh nghiệp không thật mặn mà. Hơn nữa, lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp lại thấp, thu nhập từ nông nghiệp ít, người dân không bỏ tiền ra để mua bảo hiểm. Tóm lại, nguyên nhân đến từ hai phía là các doanh nghiệp bảo hiểm và người dân đang làm cho việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp chưa được đại trà. Để có thể triển khai bảo hiểm nông nghiệp có hiệu quả, cần khắc phục các hạn chế cũng như có sự hỗ trợ từ Nhà nước.
- Xin cám ơn Ông!