Cà Mau: Xác định tôm là mặt hàng chủ lực cấp quốc gia

- Thứ Bảy, 14/05/2022, 07:17 - Chia sẻ

Tại Hội nghị tham vấn ý kiến về Dự thảo Chương trình của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển lĩnh vực nông nghiệp (tháng 4.2022), UBND tỉnh Cà Mau đã xác định sản phẩm chủ lực cấp quốc gia của địa phương là tôm, cấp tỉnh là cua biển, lúa gạo, chuối, gỗ và sản phẩm từ gỗ.

Vựa tôm của cả nước

Cà Mau có khoảng 255km bờ biển từ đông sang tây. Điều kiện tự nhiên này tạo cho Cà Mau có một ngư trường rộng lớn và một vùng đất ngập mặn ven biển đa dạng, thích hợp cho nghề nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm sú. Chất lượng và sản lượng tôm ở vùng đất này khó có địa phương nào vượt trội, vì vậy từ lâu Cà Mau được nhắc đến như một vựa tôm của cả nước.

Nghề nuôi tôm ở Cà Mau có từ rất lâu đời. Những năm sau giải phóng, nông dân Cà Mau nuôi tôm theo phương pháp quảng canh truyền thống, bằng cách bao ấu trùng tôm từ các sông rạch vào vuông rồi để tôm phát triển tự nhiên, không cần lo thức ăn. Thời ấy, tôm giống trong thiên nhiên còn nhiều nên tôm nuôi đạt năng suất, sản lượng rất cao nhưng lại ít người mua, chủ yếu là tự sản tự tiêu hoặc chế biến làm tôm khô.

Trước giá trị ngày càng cao của các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là tôm sú, nghề nuôi tôm ở Cà Mau phát triển ngày càng mạnh. Năm 1994, tỉnh chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lúa ở các xã phía đông huyện Đầm Dơi sang nuôi tôm. Đến năm 1999, Chính phủ cho phép chuyển gần 50.000ha đất trồng lúa ở các huyện Đầm Dơi, Cái Nước và một số vùng lân cận sang nuôi tôm. Cuối năm 2014, diện tích đất nuôi tôm của Cà Mau đạt gần 270.000ha và tổng sản lượng tôm nuôi đạt gần 164.000 tấn.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm nhưng hiệu quả từ các mô hình nuôi tôm cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Vì vậy người dân trong tỉnh, nhất là ở các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Phú Tân… quyết tâm đổ vốn, cải tạo đất để nuôi tôm công nghiệp. Nhiều nông hộ trong vùng chuyển dịch có mức thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Nguyễn Hiền Thức, ấp Lung Trường, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi cho biết, anh nuôi tôm từ năm 2008 đến 2014, lúc ấy, kỹ thuật chưa rành nên có năm lời ít, có năm lời nhiều chứ không bị thua lỗ. Từ 2014 đến nay, anh áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ mới nên chủ động xử lý được môi trường nuôi, đầu ra ổn định, gia đình anh từ khó khăn nay đã có của ăn của để.

Những năm gần đây, tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009 - 2012, định hướng đến năm 2015 (gọi tắt là Đề án tôm - lúa) tại nhiều vùng nuôi tôm quảng canh. Nhiều vùng nuôi tôm kết hợp trồng lúa, tình trạng ô nhiễm môi trường nước đã được cải thiện, khắc phục được tình trạng tôm nuôi bị chết kéo dài. Ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước và Phú Tân, tỉnh Cà Mau vận động, khuyến khích bà con nông dân và các thành phần kinh tế khác đầu tư vốn để mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại; trong đó, tập trung phát triển các mô hình nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp có năng suất, sản lượng cao. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có diện tích trên 8.000ha nuôi tôm công nghiệp.

Cà Mau: Xác định tôm là mặt hàng chủ lực cấp quốc gia -0
Đến năm 2030, tỉnh Cà Mau phấn đấu đưa ngành tôm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉn

Khẳng định vai trò mũi nhọn

Sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, ngành thủy sản tiếp tục khẳng định được vai trò mũi nhọn trong khu vực nông nghiệp của Cà Mau. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với lợi thế về thời tiết, môi trường, cộng với ưu thế giá tôm nguyên liệu ít biến động, đầu ra ổn định nên diện tích nuôi tôm siêu thâm canh của tỉnh tiếp tục tăng. Vùng nuôi tôm sinh thái có chứng nhận quốc tế được mở rộng khiến hoạt động nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản của Cà Mau tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước.

Được nuôi trên vùng đất ngập mặn ven biển phù sa bồi đắp, nguồn nước không bị ô nhiễm nên tôm sú Cà Mau to hơn, ngọt hơn các nơi khác, quốc gia khác như: Ấn Độ, Thái Lan... Do đó, loại hải sản này được xem là thực phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao, được thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản... ưa chuộng và được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận ASC, B.A.P, GlobalGAP, Eu, Nuturland… Hiện, tôm sú Cà Mau đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Từ thương hiệu tôm sú đã có tiếng, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Trung tâm Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) xây dựng chỉ dẫn địa lý và đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận chỉ dẫn địa lý “Tôm sú Cà Mau” vào ngày 28.4 vừa qua.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm theo hướng đến năm 2030 phấn đấu đưa ngành tôm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi tôm của tỉnh vẫn giữ ổn định khoảng 280.000ha nhưng nâng cao sản lượng và chất lượng tôm qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất, nuôi trồng. Cùng với đó tỉnh chú trọng triển khai nhiều giải pháp khuyến khích sản xuất, chế biến tiêu thụ, giảm tổn thất sau thu hoạch trong nuôi tôm, phát triển mạnh mẽ mô hình nuôi tôm sạch, tôm sinh thái cũng như mô hình nuôi tôm đạt chứng nhận quốc tế.

Vũ Châu