Tạm biệt Ingenuity, trực thăng sao Hỏa đầu tiên của nhân loại

- Thứ Ba, 30/01/2024, 11:05 - Chia sẻ

Chiếc trực thăng sao Hỏa đầu tiên của nhân loại theo thiết kế sẽ chỉ hoạt động trong một tháng, nhưng thực tế nó đã hoạt động suốt ba năm nay.

Chiếc "trực thăng sao Hỏa" Ingenuity của NASA vừa thực hiện chuyến bay cuối cùng băng qua vùng lòng chảo bụi bặm của miệng núi lửa Jezero vào ngày 18.1 .

Là phương tiện bay trên một hành tinh khác đầu tiên của nhân loại, Ingenuity đã dành gần 1.000 ngày trên "hành tinh đỏ" để thực hiện các chuyến bay thử nghiệm và giúp người bạn đồng hành của nó là Perseverance (chiếc xe địa hình sao Hỏa) có thêm thông tin về địa hình hành tinh này.

Tuổi đời hoạt động của nó trên thực tế dài hơn 33 lần so với kế hoạch ban đầu của NASA. Nó vốn được thiết kế để thực hiện chỉ 5 chuyến bay. Cuối cùng, nó đã cất cánh được 72 lần, bay nhanh hơn và cao hơn cả dự đoán ban đầu. 

Tạm biệt Ingenuity, trực thăng sao Hỏa đầu tiên của nhân loại -0
Hình ảnh Ingenuity đang bay trên miệng núi lửa Jezero được chụp bởi Perseverance - chiếc xe địa hình sao Hỏa đồng hành cùng với Ingenuity
(Ảnh: NASA/JPL-Caltech/ASU/MSSS).

Ingenuity hỗ trợ cho Perseverance bằng cách khảo sát địa hình phía trước chiếc xe thám hiểm. Độ cao cao nhất mà nó đạt được là 24m. Trong sứ mệnh ban đầu, Ingenuity dự kiến sẽ bay ở độ cao 3-5m trong tối đa 90 giây mỗi chuyến bay.

"Hành trình lịch sử của Ingenuity, chiếc máy bay đầu tiên trên hành tinh khác, đã kết thúc", Quản trị viên NASA Bill Nelson xác nhận.

"Chiếc trực thăng đó đã bay cao hơn và xa hơn những gì chúng tôi từng tưởng tượng và đã giúp NASA làm được điều mà chúng tôi làm tốt nhất - biến điều không thể thành có thể. Thông qua các sứ mệnh như Ingenuity, NASA đang mở đường cho các chuyến bay trong phạm vi hệ mặt trời, các chuyến thám hiểm của con người tới sao Hỏa và xa hơn nữa trong tương lai", Bill Nelson nói thêm.

Vào ngày 18.1 vừa qua, trong chuyến bay thứ 72 của mình, Ingenuity lơ lửng ở độ cao 12m so với mặt đất trong vài giây trước khi hạ xuống.

Ở độ cao khoảng 3m, Ingenuity mất liên lạc với Perseverance. Khi liên lạc được thiết lập lại và hình ảnh được gửi đến, các nhà khoa học nhận ra rằng đây là chuyến bay cuối cùng của phương tiện bay này. Một trong những cánh quạt của nó bị hư hỏng, và nó đã phải kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình.

Nguyên nhân chính xác gây ra thiệt hại này vẫn chưa được xác định.

Cuộc đời của Ingenuity là một vết son rực rỡ cho những người tham gia lập kế hoạch, chế tạo và điều hướng nó trên sao Hỏa. Ngoài việc hạ cánh tự động, Ingenuity đã chạm đến giới hạn của nó hết lần này đến lần khác: thực hiện ba lần hạ cánh khẩn cấp, tự làm sạch sau bão cát và sống sót qua mùa đông trên sao Hỏa.

Laurie Leshin, Giám đốc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, cho biết: "Tại NASA JPL, đổi mới là trọng tâm. Và Ingenuity là một ví dụ điển hình về điều đó. Tôi vô cùng tự hào về đội ngũ của mình với thành tựu lịch sử này và mong chờ phát minh tiếp theo của họ".

Giám đốc dự án của Ingenuity, Teddy Tzanetos, nói: "Chiếc trực thăng của sao Hỏa sẽ không bao giờ bay được một lần, chứ đừng nói đến 72 lần, nếu không có niềm đam mê và sự cống hiến của đội ngũ Ingenuity và Perseverance.

Chiếc trực thăng sao Hỏa đầu tiên trong lịch sử sẽ để lại dấu ấn không thể phai mờ trong ngành thám hiểm không gian và sẽ truyền cảm hứng cho những phát minh tiếp theo về phương tiện bay trên sao Hỏa và các hành tinh khác, trong nhiều thập kỷ tới".

Trần Hải (Theo iflscience.com)
#