Kim tự tháp lâu đời nhất thế giới là ngọn núi 25.000 năm tuổi ở Indonesia?

- Thứ Ba, 26/12/2023, 12:09 - Chia sẻ

Một nghiên cứu mới đang thu hút sự chú ý của giới truyền thông khi tuyên bố rằng một ngọn núi ở Indonesia thực ra là "kim tự tháp" lâu đời nhất thế giới, được xây dựng bởi con người cổ đại.

Kim tự tháp lâu đời nhất thế giới là ngọn núi 25.000 năm tuổi ở Indonesia?

 -0
Có giả thuyết cho rằng ngọn núi Gunung Padang ở Indonesia thực chất là một "kim tự tháp" lâu đời nhất thế giới

Một nghiên cứu mới được công bố trên Archaeological Prospection đang thu hút nhiều sự chú ý của giới truyền thông khi tuyên bố rằng một ngọn núi ở Indonesia thực ra là kim tự tháp lâu đời nhất thế giới, được xây dựng bởi con người cổ đại.

Nhưng phản ứng trái chiều từ các nhà khảo cổ học đã làm dấy lên sự hoài nghi về tính xác thực của kết luận táo bạo này.

Theo bài báo, Gunung Padang - có nghĩa là "Núi giác ngộ" - ở Indonesia không được hình thành một cách tự nhiên mà được "điêu khắc tỉ mỉ" thành hình dạng hiện tại từ 25.000 đến 14.000 năm trước.

Nếu điều này là đúng thì nó sẽ già hơn đáng kể so với các kim tự tháp lâu đời nhất thế giới.

Nhóm nghiên cứu viết rằng nó "cho thấy rằng các phương thức xây dựng tiên tiến đã tồn tại từ khi nông nghiệp có lẽ chưa được phát minh".

Bài báo cũng tuyên bố rằng có những "khoang hoặc căn phòng bí mật" trong lòng ngọn núi này; và nó dường như đã được cố tình giấu đi để che giấu "danh tính thực sự" nhằm mục đích bảo tồn.

Tuyên bố này không thuyết phục được các nhà khảo cổ học khác, bởi nếu đây là sự thật, nó sẽ viết lại lịch sử phát triển của loài người.

Lutfi Yondri, một nhà khảo cổ học ở Bandung, Indonesia, nói với Nature rằng nghiên cứu của ông cho thấy người dân trong khu vực sống trong các hang động từ 12.000 đến 6.000 năm trước và không một bằng chứng nào về việc người dân địa phương thời điểm đó sở hữu một "khả năng xây dựng đáng chú ý" tới mức có thể xây dựng được một "kim tự tháp" như Gunung Padang.

Flint Dibble, nhà khảo cổ học tại Đại học Cardiff, Anh, nói với Nature rằng bài báo đã sử dụng "dữ liệu đã được công nhận" nhưng lại đưa ra những kết luận thiếu căn cứ.

Ví dụ, nhóm nghiên cứu trong bài báo đã sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon, tuyên bố rằng "việc xác định niên đại của đất hữu cơ từ các công trình đã phát hiện ra nhiều giai đoạn xây dựng có niên đại hàng nghìn năm trước Công nguyên, trong đó giai đoạn đầu có niên đại từ thời Đồ đá cũ".

Theo nhóm nghiên cứu, các mẫu đất được lấy từ xung quanh các gò đất mà họ cho là phần lâu đời nhất của "kim tự tháp" có niên đại 27.000 năm.

Tuy nhiên các nhà khảo cổ học chỉ ra rằng trong những mẫu đất này không có dấu hiệu nào (chẳng hạn như mảnh xương hoặc than củi) cho thấy có hoạt động của con người.

Nếu không có những dấu hiệu thuyết phục hơn về hoạt động của con người ở đây, tất cả những bằng chứng đó chỉ cho thấy đây là một vùng đất lâu đời.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng họ đã tìm thấy một hòn đá hình con dao có thể do con người tạo ra tại đây. Tuy nhiên nhóm từ chối trình bày chi tiết và đầy đủ hơn về phát hiện này.

Cho đến khi có những bằng chứng thuyết phục hơn thì đến nay, rõ ràng Gunung Padang chỉ đơn giản là một ngọn núi được hình thành một cách tự nhiên.

Gunung Padang nằm nép mình giữa những ngọn núi lửa, ở độ cao tương đương 886m so với mực nước biển, cách phía Nam của thủ đô Jakarta khoảng 120km.

Theo các nhà nghiên cứu thì Gunung Padang là "Kim tự tháp của Đông Nam Á" và họ suy đoán rằng, bên dưới nền đất được đắp cao có vô số căn phòng, hầm, các dãy tường bí mật, được phủ kín và che chắn bằng thảm thực vật đày đặc vốn đã phát triển trên di tích này qua nhiều thế kỷ.

Trần Hải
#