Giải thưởng Tạ Quang Bửu – Tôn vinh nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản

- Thứ Tư, 18/05/2022, 10:17 - Chia sẻ

Nghiên cứu cơ bản được xem là bước đi đầu tiên trong tiến trình nghiên cứu, để có được tri thức mới, cần thiết cho việc đào tạo chuyên gia, cung cấp phương pháp cốt lõi nhằm giải quyết những thách thức quan trọng trong cuộc sống, góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đã chú trọng phát triển nghiên cứu cơ bản từ rất sớm và đã có nhiều chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực này.

Chú trọng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Quan tâm đầu tư đúng mức nghiên cứu khoa học cơ bản”, “Tập trung phát triển nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng công nghệ lõi”... Gần đây, Nghị quyết số 02 hàng năm của Chính phủ cho thấy nghiên cứu cơ bản - với kết quả đầu ra được thể hiện qua các chỉ số nguồn nhân lực trình độ cao, số lượng, chất lượng các công bố khoa học quốc tế - là trụ cột quan trọng không thể thiếu trong việc đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo của quốc gia. 

Giải thưởng Tạ Quang Bửu – Tôn vinh nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản -0

Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung đầu tư cho nghiên cứu cơ bản thông qua chương trình tài trợ của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED). Trung bình mỗi năm các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản do NAFOSTED tài trợ đóng góp trên 60% số lượng bài báo là kết quả các nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước, được đăng tải trên các tạp chí khoa học thuộc hệ thống Web of Science. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân công bố quốc tế của Việt Nam là 25,68%/năm. Tại Đông Nam Á, từ năm 2018 chỉ số số lượng công bố khoa học quốc tế trên 1 tỷ USD GDP tính theo sức mua tương đương - một chỉ số trong bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (WIPO) - của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, đứng thứ 3 khu vực, chỉ xếp sau Malaysia và Singapore.

Nhằm khích lệ, tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật, từ năm 2014, hàng năm, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Đến nay, đã có 16 nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng chính, 4 nhà khoa học được trao tặng giải thưởng cho nhà khoa học trẻ trong tổng số hơn 300 hồ sơ đăng ký tham dự.

Giải thưởng đã tạo uy tín cao với cộng đồng khoa học trong và ngoài nước, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nghiên cứu của các tác giả đoạt giải, tiếp thêm động lực, niềm tin để họ tiếp tục chinh phục các đỉnh cao mới, đóng góp cho nền Khoa học và Công nghệ của Việt Nam và thế giới.

5 đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022

Từ tháng 11 năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã khởi động Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022. Sau gần 2 tháng tiếp nhận hồ sơ, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia – Cơ quan Thường trực Giải thưởng đã tiếp nhận 48 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng. Từ 48 hồ sơ đề cử/ứng cử, các hội đồng khoa học chuyên ngành đã nhất trí đề cử 5 hồ sơ cho giải thưởng chính và giải thưởng trẻ năm nay.

Công trình Hàm độ sâu của luỹ thừa hình thức Iđêan thuần nhất, đăng trên Tạp chí Inventiones Mathematicae năm 2019 của GS.TSKH. Ngô Việt Trung và TS. Nguyễn Đăng Hợp - Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu một bất biến rất cơ bản của Idean là độ sâu. Công trình giải quyết được 3 bài toán mở liên quan đến tính tăng của hàm độ sâu, tính hội tụ của hàm độ sâu và tính đạt được mức tuần hoàn cho trước của hàm độ sâu. Bài báo được đăng trên tạp chí Inventiones Mathematicae nằm trong số ít tạp chí toán học hàng đầu thế giới. Đây là lần đầu tiên một công trình thực hiện tại Việt Nam được đăng trên tạp chí này.

Trong hơn 40 năm qua, GS. TSKH. Ngô Việt Trung cùng một số đồng nghiệp đã nghiên cứu, đúc kết và phát triển ý tưởng thông qua 11 bài báo. Viện Toán học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã đề cử GS.TSKH Ngô Việt Trung, tác giả chính của công trình trên cho Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay.

Công trình “Nghiên cứu đưa liên kết thuận nghịch Diels-Alder vào bề mặt phân pha cứng-mềm trong cấu trúc polyuretan nhằm tạo ra vật liệu mới có cơ tính cao và tự lành ở nhiệt độ ôn hòa”, đăng trên Tạp chí Chemistry of Materials năm 2019 của PGS.TS Nguyễn Thị Lệ Thu - Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh và cộng sự. Nhóm tác giả đã nghiên cứu chế tạo một hệ vật liệu polyuretan mới - polyme tự lành với cấu trúc chứa liên kết thuận nghịch Diels-Alder không nằm ngẫu nhiên mà được thiết kế đặc biệt sắp xếp tại bề mặt phân cách giữa pha cứng và pha mềm của polyuretan. Vật liệu có thể “tự lành” khi xuất hiện vết rạn tế vi giúp sản phẩm có tuổi thọ sử dụng cao, nhờ đó giảm thiểu chi phí sửa chữa, đem lại hiệu quả ứng dụng và hiệu quả kinh tế, giúp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên và chất thải. Kết quả nghiên cứu góp phần xây dựng một hướng nghiên cứu mới của thế giới, và khởi đầu cho việc phát triển các sản phẩm vật liệu mới “tự lành” ở Việt Nam.

Công trình “100 ngày đầu tiên kiểm soát hội chứng viêm phổi cấp do vi rút SARS-CoV-2 gây ra tại Việt Nam”, đăng trên Tạp chí Clinical Infectious Diseases năm 2021 của TS. Phạm Quang Thái và cộng sự. Công trình đã tổng kết 100 ngày đầu tiên kiểm soát dịch do vi rút SARS-CoV-2 gây ra tại Việt Nam và đưa ra những bằng chứng quan trọng trong việc kết luận bệnh có thể lây truyền từ những cá thể nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện triệu chứng (nhiễm trùng không triệu chứng). Bài báo được đăng trên Clinical Infectious Diseases (tạp chí hàng đầu về bệnh truyền nhiễm và là cơ quan ngôn luận chính của hội truyền nhiễm Hoa Kỳ) tháng 7/2020. Kết quả nghiên cứu được sử dụng như một bằng chứng về thành tích chống dịch tại Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh chưa có biện pháp bảo vệ đặc hiệu, góp phần rất lớn vào công tác phòng chống dịch như thay đổi chiến lược sàng lọc tại sân bay (từ trước khi công trình được đăng)…

2 đề cử cho Giải thưởng trẻ là TS. Đoàn Lê Hoàng Tân với công trình “Tổng hợp trong điều kiện hỗ trợ của vi sóng các vật liệu nano khung hữu cơ-kim loại tâm Hf và Zr để tăng cường khả năng hấp thụ dược chất curcumin” và TS. Trần Tiến Anh với công trình “Ảnh hưởng tải của tàu tới lượng nhiên liệu tiêu thụ của động cơ diesel tàu thủy cho tàu hàng rời dựa trên phương pháp phân lớp mờ”.

Công trình “Tổng hợp trong điều kiện hỗ trợ của vi sóng các vật liệu nano khung hữu cơ-kim loại tâm Hf và Zr để tăng cường khả năng hấp thụ dược chất curcumin” của TS. Đoàn Lê Hoàng Tân - Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử, ĐHQG TP.Hồ Chí Minh và cộng sự đã nghiên cứu, đưa ra kết quả liên quan đến vật liệu khung hữu cơ kim loại có khả năng lưu trữ/nhả dược chất kháng ung thư Curcumin nhằm xử lý tế bào ung thư. Nhóm cũng đã công bố các bài báo khác liên quan đến điều trị tế bào ung thư trên cơ sở vật liệu nano khung hữu cơ kim loại mang dược chất kháng ung thư như curcumin, paclitaxel, cordycepin. Kết quả cho thấy: Vật liệu khung hữu cơ kim loại có khả năng dẫn truyền dược chất thành công đến các dòng tế bào ung thư như ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, có thể tiêu diệt hiệu quả tế bào ung thư ở nồng độ dược chất thấp 80 µg/mL nhưng hệ vật liệu ít gây độc đến tế bào thường.

Công trình “Ảnh hưởng tải của tàu tới lượng nhiên liệu tiêu thụ của động cơ diesel tàu thủy cho tàu hàng rời dựa trên phương pháp phân lớp mờ” đăng trên Tạp chí Ocean Engineering năm 2020 của TS. Trần Tiến Anh – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Công trình đề xuất được những điểm mới khi khai thác các ưu điểm từ lý thuyết điều khiển gom nhóm mờ rất mới trong kỹ thuật thông tin - điều khiển kết hợp với chiến lược quản lý hiệu quả trong hệ thống quản lý năng lượng, qua đó áp dụng thành công vào lĩnh vực hàng hải và khai thác tàu biển. Công trình lần đầu tiên đề xuất mới hệ thống hỗ trợ ra quyết định hiện đại áp dụng cho những nhà quản lý tàu biển. Công trình nghiên cứu mang tính sáng tạo về khoa học và công nghệ, đạt tính liên ngành cao giữa cơ học - cơ khí - hàng hải - logistics - điều khiển, góp phần nâng cao chất lượng quản lý ngành hàng hải nói chung và vận tải tàu biển nói riêng.

Những đóng góp của các nhà khoa học đã khẳng định hoạt động nghiên cứu cơ bản ở Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng và hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng và ngành khoa học và công nghệ nói chung đã và đang nỗ lực với nhiều cơ chế, chính sách và các giải pháp đồng bộ để không ngừng đưa khoa học và công nghệ Việt Nam vươn tầm thế giới. Giải thưởng Tạ Quang Bửu không chỉ dừng lại ở việc ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học có kết quả công bố xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, mà đánh dấu một dấu ấn quan trọng trên con đường nghiên cứu của các nhà khoa học đoạt giải, và đặc biệt đã góp phần gây dựng niềm tin vào một môi trường học thuật minh bạch, khách quan ở Việt Nam.

Thảo Linh