Công nghệ giúp doanh nghiệp "tăng tốc"

- Thứ Bảy, 27/08/2022, 20:57 - Chia sẻ

Từ thực tiễn đã cho thấy, việc áp dụng các sáng chế, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng được chú trọng. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất và hiệu quả hoạt động...

Công nghệ là phương tiện cho sự đổi mới kinh doanh

Dịch Covid-19 đã trở thành "phép thử" mạnh mẽ, làm thay đổi hành vi và thói quen của người tiêu dùng. Để có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi mô hình hoạt động, triển khai các công nghệ tiên tiến để tăng tính hấp dẫn cho các sản phẩm và cải thiện trải nghiệm khách hàng...

Theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo – NIC (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với các công nghệ ứng dụng từ đổi mới sáng tạo doanh nghiệp có thể tăng gấp 5 lần tốc độ sản xuất, tăng gấp 3 lần năng suất lao động, đồng thời tiết kiệm từ 20-30% mức đầu tư. Đây chính là lợi thế mà đổi mới sáng tạo mang lại cho doanh nghiệp so với đổi mới sáng tạo truyền thống.

Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương cũng cho biết, Tân Hiệp Phát là tập đoàn tiên phong trong sử dụng công nghệ mới để tạo sự thay đổi không chỉ trong chính doanh nghiệp, mà còn tạo làn sóng chuyển đổi trong lĩnh vực nước giải khát. Tân Hiệp Phát đã tận dụng cơ hội từ đại dịch để đẩy mạnh chuyển đổi số, chủ động đầu tư vào các hệ thống công nghệ thông tin và công nghệ quản trị để cải tiến doanh nghiệp.

Nhu cầu số hóa và áp dụng khoa học công nghệ còn thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển nền tảng số trong doanh nghiệp, tạo điều kiện cho lực lượng lao động phát triển kỹ năng, kiến thức về công nghệ, cũng như nâng cao tiêu chuẩn số của nền kinh tế nói chung.

Công nghệ giúp doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp đột phá trong công nghệ chế biến sâu, chủ động nguồn nguyên liệu sạch, đa dạng các sản phẩm từ cá tra

Chia sẻ tại hội thảo "Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ", Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (Long An) Trương Vĩnh Thành cho biết, được hỗ trợ từ chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia, đến nay, công ty của ông đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất dầu ăn chất lượng cao từ mỡ cá tra; quy trình công nghệ sản xuất bột nêm từ phụ phẩm cá tra; hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất thức ăn chăn nuôi từ bột cá… Công nghệ này giúp nâng tầm giá trị cá tra Việt Nam lên 28%, chất lượng tương đương sản phẩm ngoại nhập. Khi đổi mới công nghệ, doanh thu sản phẩm dầu ăn từ phụ phẩm cá tra của công ty đạt gần 800 tỷ đồng, tăng gần 2,9 lần; doanh thu bột cá đạt 1.783 tỷ đồng, tăng hơn 57%.

"Việc làm chủ, đổi mới công nghệ là nền tảng để chúng tôi nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường", ông Thành nói.

Tập hợp nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ tại hội thảo "Chính sách hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo", Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện. Nhiều chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong trích lập, sử dụng quỹ tại doanh nghiệp để đưa các nhiệm vụ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hiện nay, còn nhiều dư địa và cơ hội để doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chuỗi giá trị và cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của đổi mới công nghệ.

Cùng với đó, vẫn còn nhiều khó khăn trong đổi mới công nghệ mà các doanh nghiệp phải đối mặt như thiếu thông tin về công nghệ, các chương trình hỗ trợ của nhà nước, các chuyên gia công nghệ từ các đơn vị nghiên cứu; chưa có nhiều ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ chuyển giao, đổi mới công nghệ. Chưa có nhiều hỗ trợ về tài chính để doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ (cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ lãi suất vay); chưa có hướng dẫn và tạo điều kiện để doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Hồng Quất cho rằng, để khoa học và công nghệ là trụ cột cho phát triển, cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ. Tập trung đầu tư các phòng thí nghiệm và nghiên cứu khoa học tại các trường, viện nghiên cứu trọng điểm, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp làm chủ công nghệ mới thông qua hợp tác, nhập khẩu và đổi mới công nghệ...

PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo, Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh cho rằng, các trường cần hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh ở tất cả các khoa và tạo môi trường để nhà khoa học và doanh nghiệp tiếp xúc, gặp gỡ nhau nhiều hơn, giúp hai bên thảo luận các công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường. Doanh nghiệp cần đặt hàng các trường đại học, viện nghiên cứu; đồng thời, các viện nghiên cứu, trường đại học cần chủ động khảo sát nhu cầu đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp, mở rộng hơn số lượng đề tài theo đơn đặt hàng từ thực tiễn.

Xuân Tùng
#