Nâng tỷ lệ đóng góp khoa học, công nghệ vào tăng trưởng kinh tế

- Thứ Tư, 18/05/2022, 07:03 - Chia sẻ

Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ được triển khai trên các mặt đời sống của xã hội. Tuy nhiên, để phát triển, đưa ứng dụng KH - CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian tới cần phải chủ động tích cực, nắm bắt cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đó là chia sẻ của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên DƯƠNG BÌNH PHÚ xoay quanh nội dung này.

- Hoạt động KH - CN và ĐMST tỉnh Phú Yên được triển khai như thế nào thời gian qua, thưa ông?

- Trong những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của phát triển, ứng dụng KH - CN và ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực nghiên cứu KH - CN được nâng cao, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST có nhiều chuyển biến, thị trường KH - CN từng bước được hình thành. Trong đó, chú trọng hoàn chỉnh một số luận cứ khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử Phú Yên qua các thời kỳ; nghiên cứu lai tạo một số giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển giao một số công nghệ tiên tiến, sản xuất một số dược phẩm thay thế hàng nhập khẩu; phát triển một số nhãn hiệu hàng hóa đặc trưng của tỉnh có giá trị kinh tế cao...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH - CN và ĐMST chưa được chú trọng; cơ chế tài chính còn nhiều bất cập, đầu tư cho KH - CN còn thấp (giai đoan 2016 - 2020 đạt 0,68% tổng chi ngân sách); quỹ phát triển KH - CN ở tỉnh chưa hình thành... Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH - CN chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cơ chế quản lý hoạt động KH - CN có đổi mới nhưng còn chậm; công tác quy hoạch, phát triển KH - CN gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chưa được triển khai đồng bộ; sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong thực hiện các nhiệm vụ KH - CN chưa tốt, hiệu quả chưa cao. Nhất là, thị trường KH - CN chưa phát triển, kết quả nghiên cứu ứng dụng gắn kết với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý chưa nhiều; chưa có nhiều kết quả nghiên cứu KH - CN nổi bật được nhân rộng.

Nhằm tạo đột phá để KH - CN và ĐMST trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển nhanh, bền vững, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành Nghị quyết 11 về “Phát triển, ứng dụng KH - CN và ĐMST phục vụ phát triển kinh tế, xã hội”. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 209 nhằm phát triển, ứng dụng KH - CN và ĐMST, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ; chú trọng ĐMST, chuyển đổi số, chủ động tích cực và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực và nền tảng chủ yếu cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

66A3.jpg
Phú Yên ứng dụng chuyển giao công nghệ thành công nuôi tôm hùm trên vịnh

- Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 11 và Kế hoạch 209 của UBND tỉnh đặt ra như thế nào, thưa ông?

- Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới phải nâng tỷ lệ đóng góp KH - CN và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế thông qua yếu tố năng suất tổng hợp phải đạt hơn 35% và tăng tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao chiếm khoảng 10% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2025. Phấn đấu 90% nhiệm vụ KH - CN đưa vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất và đời sống.

Bên cạnh đó, phấn đấu đến hết năm 2025, hình thành không gian ĐMST và chuyển đổi số để phục vụ chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số cho các tỉnh, khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên; sẵn sàng tiếp nhận, chuyển giao giữa các viện, trường, doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị trên cơ sở hạ tầng, vật chất của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH - CN); tổ chức sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ; phấn đấu hết năm 2025, 100% tổ chức KH - CN công lập chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm…

Mặt khác, trong thời gian tới phải hỗ trợ phát triển 10 dự án khởi nghiệp, 10 dự án khởi nghiệp ĐMST, 5 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, 5 doanh nghiệp KH - CN, 1 doanh nghiệp về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, 5 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho ít nhất 20 sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Số văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp đạt 318 văn bằng. Thẩm định về công nghệ đối với 100% dự án đầu tư mới vào tỉnh, kiên quyết không cấp phép dự án sử dụng công nghệ hạn chế hoặc có nguy cơ tác động xấu đến môi trường…

- Xin cảm ơn ông!

VĂN TÀI thực hiện