Thành tựu ấn tượng
Tác động của đổi mới sáng tạo (ĐMST) đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế một quốc gia được xác lập thông qua vai trò của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong chất lượng tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó. Để duy trì và đẩy mạnh tăng trưởng, các nền kinh tế đã không ngừng thúc đẩy sự gia tăng TFP - cải tiến trình độ và chất lượng áp dụng kỹ thuật, KHCN, nâng cao trình độ lao động, đổi mới quản lý, hay nói cách khác là tập trung tăng cường những nỗ lực ĐMST.
Trong bối cảnh đó, Chương trình IPP được hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan xây dựng trên cơ sở chia sẻ và vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức về ĐMST Phần Lan đã thực hiện rất thành công trong khoảng 50 năm trở lại đây. Chương trình IPP là nỗ lực của hai Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ĐMST quốc gia tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 với nền kinh tế trí thức và hệ thống đổi mới quốc gia (NIS) hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế xã hội. Với nguồn hỗ trợ phát triển chính thức không hoàn lại từ Chính phủ Phần Lan và đối ứng của Chính phủ Việt Nam (7 triệu Euro, trong đó 89% do Phần Lan tài trợ), giai đoạn I của IPP được thực hiện từ năm 2009 đến năm 2013 dưới sự quản lý của Bộ KH - CN Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan.
Sản phẩm nến tự nhiên làm bằng phương pháp thủ công - dự án nghiên cứu do IPP hỗ trợ |
Ảnh: N.Hạnh |
Từ đầu năm 2011, IPP đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp - lực lượng nòng cốt đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, trong đó có nhiều đề xuất mang tính ĐMST cao, có giá trị đối với cộng đồng như: sản xuất đèn LED chuyên dụng có thời gian chiếu sáng dài cho ngư dân đánh bắt trên biển của Đà Nẵng; xây dựng Chương trình Sáng tạo Việt - chương trình về sáng tạo KHCN trên truyền hình để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp sáng chế, giải pháp công nghệ của mình nhằm ứng dụng khoa học vào cuộc sống; nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp đốt không sử dụng dầu và điện công suất 500kg/giờ; nghiên cứu đổi mới công nghệ chế tạo đèn huỳnh quang compact chất lượng cao tuổi thọ đến 10.000 giờ, dùng màu nhuộm tự nhiên thay thế nhuộm hóa chất…
Thông qua các hoạt động đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp, điều tra, khảo sát, diễn đàn tổ chức tại cả ba miền, IPP đã gặp gỡ với hơn 1.000 doanh nghiệp đến từ nhiều địa phương trên khắp cả nước và đã tiếp nhận khoảng 400 đề xuất dự án liên quan đến ĐMST (trong đó có khoảng 10% đề xuất đã được lựa chọn tham gia chương trình).
Bài học thành công
IPP là một trong những chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tiên do Chính phủ Phần Lan thực hiện trong lĩnh vực ĐMST trên thế giới (các chương trình còn lại được thực hiện ở Nam Phi, Tanzania và Mozambic). Tại Việt Nam, IPP cũng là chương trình ODA đầu tiên thí điểm thực hiện hỗ trợ đối với hoạt động phát triển KHCN và ĐMST. Dù việc triển khai còn nhiều khó khăn nhưng chương trình đã được xây dựng, triển khai phù hợp với thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu phát triển của Việt Nam, có tác động tốt và sức lan tỏa mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về vai trò, ý nghĩa của ĐMST.
Đổi mới sáng tạo (Innovation) là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. Theo bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2012 do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) thực hiện, các quốc gia xếp đầu bảng cũng chính là những quốc gia thuộc nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới như Thụy Sĩ, Thụy Điển, Phần Lan, Anh… Báo cáo mức độ cạnh tranh toàn cầu năm 2011 - 2012 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện cũng đặt các nước này vào nhóm các nước có chỉ số cạnh tranh cao nhất trong 142 nước được xếp hạng. |
Ông Sarkioja Tomi, Tham tán KH - CN, Đại sứ quán Phần Lan cho rằng, với những thành công đã đạt được từ IPP 1, Chính phủ Phần Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam qua IPP 2 để đổi mới cơ chế phát triển KHCN, đầu tư tạo ra những sản phẩm quốc gia có hàm lượng KHCN cao, giá trị gia tăng lớn trên thị trường và đẩy mạnh hơn nữa hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Phần Lan, đưa quan hệ đó lên tầm cao mới lấy sáng tạo làm động lực.
Theo TS Trần Quốc Thắng, Chương trình IPP được thực hiện lần đầu tiên ở Việt Nam vừa tăng cường hệ thống ĐMST quốc gia vừa mang tính chất thí điểm để rút ra bài học kinh nghiệm cho việc tăng cường NIS như một công cụ hữu hiệu để nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp, góp phần phát triển bền vững ở Việt Nam. Trong giai đoạn II, nên tăng cường hơn nữa các hoạt động xây dựng năng lực, xem xét thay đổi cách tiếp cận trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp theo hướng đa ngành, khối doanh nghiệp có tiềm năng và có sự bảo trợ của chính quyền địa phương. Đồng thời, kéo dài ít nhất 3 năm cho các tiểu dự án có thời gian triển khai và tiếp tục phát triển mạnh trên thị trường.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, ĐMST cũng cần phải chấp nhận rủi ro. Điều này đã đúng với các nước trên thế giới và không ngoại lệ với Việt Nam. Theo khảo sát của Harvard, có tới 70% số sáng kiến trong kinh doanh có kết cục thất bại. Thông tin từ Cơ quan Tài trợ kỹ thuật và sáng tạo Phần Lan (Tekes), trong số các dự án hỗ trợ đổi mới công nghệ và sáng tạo của Chính phủ Phần Lan thực hiện thông qua cơ quan này, tỷ lệ thất bại lên đến 30%.
Về vấn đề này, Cố vấn trưởng IPP Lauri Laakso - người đã có 12 năm hoạt động về ĐMST tại Phần Lan cho rằng, chúng ta cần phải chấp nhận rủi ro trong đầu tư cho KHCN. Đây cũng là tư duy cần thay đổi trong ĐMST ở Việt Nam. Và để thực hiện có hiệu quả ĐMST, ngoài việc đổi mới công nghệ còn cần có giải pháp quản lý rủi ro, thúc đẩy thị trường, biết được điểm mạnh của các bên tham gia để tạo được giá trị cộng hưởng, xây dựng đội ngũ chuyên gia và tăng cường trao đổi với các tổ chức tri thức và các tổ chức hỗ trợ ĐMST nước ngoài.
Có thể nói, đến nay còn quá sớm để đánh giá mức độ thành công của các dự án do IPP tài trợ, nhưng các hoạt động và kinh nghiệm thực tiễn của IPP trong giai đoạn thí điểm này có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện tài trợ của IPP giai đoạn sau nói riêng và các nguồn tài chính hỗ trợ phát triển KHCN và ĐMST tại Việt Nam nói chung.