Giao lưu văn nghệ kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam

- Thứ Ba, 22/11/2022, 19:50 - Chia sẻ

Ngày 22.11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội thi văn nghệ chào mừng kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành thanh tra Việt Nam (23.11.1945-23.11.2022).

Cách đây 77 năm, ngày 23.11.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra Đặc biệt, là tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra. Và từ đó, ngày 23 tháng 11 đã trở thành ngày truyền thống của ngành Thanh tra Việt Nam. Mặc dù với muôn vàn công việc và khó khăn của những ngày đầu mới thành lập nước, nhưng việc thành lập Ban Thanh tra đặc biệt đã thể hiện rõ quan điểm, tư tưởng của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Hoạt động thanh tra luôn gắn liền với hoạt động quản lý Nhà nước, Thanh tra vừa là cơ quan quản lý Nhà nước vừa là công cụ thiết yếu của hoạt động quản lý Nhà nước. Thanh tra là phương tiện để kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; hoạt động thanh tra góp phần thiết lập, giữ gìn trật tự, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý Nhà nước và trong xã hội.

Tiết mục văn nghệ tập thể chào mừng 77 năm Ngày truyền thống Thanh tra
Tiết mục văn nghệ tập thể chào mừng 77 năm Ngày truyền thống Thanh tra

Trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành Thanh tra với nhiều tên gọi khác nhau như: Ban Thanh tra đặc biệt, Ban Thanh tra Chính phủ, Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, Ủy ban Thanh tra Nhà nước, Thanh tra Nhà nước và nay là Thanh tra Chính phủ. Dù với tên gọi nào, trong hoàn cảnh khó khăn nào, các thế hệ cán bộ, công chức ngành Thanh tra cũng luôn thể hiện và giữ gìn phẩm chất cao quý của mình là: “Hết lòng, hết sức vì nhiệm vụ”, “Trung thành, tận tuỵ, gương mẫu, liêm khiết, khách quan, công tâm”. Nhiều đồng chí lãnh đạo đã để lại những tấm gương sáng về sự trung thành, gương mẫu, tận tuỵ, liêm khiết, có công lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra Việt Nam như: Cụ Bùi Bằng Đoàn, Cù Huy Cận, Trần Đăng Ninh, Tôn Đức Thắng, Hồ Tùng Mậu,  Nguyễn Lương Bằng và nhiều đồng chí khác.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiệm vụ của ngành là tập trung thanh tra việc thực hiện các chính sách, giảm tô, giảm tức, huy động sức dân phục vụ kháng chiến, thanh tra công tác quản lý tài chính, quản lý ngân sách ở các cơ quan, đơn vị quân đội. Qua thanh tra đã phát hiện và ngăn ngừa các lệch lạc trong quản lý, xử lý nhiều vụ tham nhũng, lãng phí, củng cố mối quan hệ quân - dân, góp phần động viên sức sản xuất của Nhân dân, huy động sức người, sức của phục vụ kháng chiến.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam, ngành Thanh tra đã bám sát nhiệm vụ cấp bách lúc này là khắc phục hậu quả chiến tranh, huy động sức người, sức của chi viện cho miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành Thanh tra luôn hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, hoạt động thanh tra góp phần thực hiện thắng lợi cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, các tổ chức Thanh tra nhanh chóng được thành lập gắn liền với hoạt động quản lý của các cấp chính quyền. Nhiệm vụ của ngành Thanh tra là tập trung chống tiêu cực, chống quan liêu, chống cửa quyền, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển đất nước.

Giao lưu văn nghệ kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam -0
Chủ tịch Công đoàn Thanh tra Chính phủ Vũ Hồng Khánh tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân

Trong giai đoạn đất nước đổi mới, cùng với thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, cả nước đẩy mạnh công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng để lãnh đạo tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra như: Pháp lệnh Thanh tra, Pháp lệnh Giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật Thanh tra; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Tiếp công dân; Luật Phòng, chống tham nhũng… là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động ngành Thanh tra. Bộ máy Thanh tra các cấp được tổ chức lại theo hướng quản lý tập trung vào từng địa bàn, từng lĩnh vực. Nhiệm vụ của ngành là tập trung thanh tra vào các lĩnh vực: Quản lý đất đai, quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện các chính sách xã hội, giáo dục, y tế, trật tự xã hội; thanh tra trách nhiệm quản lý hành chính, công vụ của các cấp chính quyền. Hoạt động thanh tra có tác dụng, hiệu quả tích cực góp phần thúc đẩy các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, giải quyết kịp thời các yêu cầu bức xúc của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Giao lưu văn nghệ kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam -0
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm tặng hoa cho các đội tham gia Hội thi Văn nghệ

+ Nhân dịp này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã ký Quyết định số 422/QĐ-TTCP, ngày 3.11, tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Thanh tra" cho 406 cá nhân thuộc Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Thanh tra Việt Nam.

Tin: Ngọc Châm, Ảnh: Minh Anh
#