Diễn đàn “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai”

- Thứ Bảy, 21/05/2022, 18:38 - Chia sẻ

Sáng 21.5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Gia Lai tổ chức diễn đàn "Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai”.

Diễn đàn “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai”
Diễn đàn “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai”

Tham dự sự kiện có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, lãnh đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tây Nguyên, cùng nhiều doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tây Nguyên là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước, dồi dào về sản lượng, phong phú về chủng loại nông sản. Có nhiều nông sản dẫn đầu cả nước về sản lượng như cà phê (651.000 ha, chiếm 91% diện tích cà phê cả nước), hồ tiêu (82.000 ha, chiếm 64%), bơ (15.000 ha, chiếm 78%), chanh leo (6.700 ha, chiếm 70%)... Hiện khu vực Tây Nguyên có 141 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm với nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, mắc ca, mật ong… 583 sản phẩm OCOP được công nhận. Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông Tây Nguyên cơ bản đã thông suốt, thuận lợi kết nối khu vực, liên vùng về đường bộ, Tây Nguyên còn có ba cảng hàng không.

Dự kiến, giai đoạn 2021-2025 sẽ khởi công ba tuyến đường bộ cao tốc kết nối nội vùng và liên vùng, gồm Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Tân Phú - Bảo Lộc; Bảo Lộc - Liên Khương. Điều này sẽ giúp khu vực Tây Nguyên tăng tốc phát triển. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định cùng với tiềm năng, lợi thế nội tại ngành nông nghiệp, Tây Nguyên còn có hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật, thương mại, du lịch thuận lợi cho phát triển nông sản nội vùng, liên vùng, xuất khẩu. Hội tụ đầy đủ các yếu tố để kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Mới đây, tỉnh Gia Lai cũng đã thống nhất thông qua kế hoạch và phương án phân bổ đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với tổng vốn dự kiến trên 18.259 tỷ đồng. Cụ thể, 82 dự án đầu tư công sẽ bao gồm các công trình trọng điểm nhằm phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của tỉnh, nhiều dự án giao thông được nhận định sẽ tạo động lực đưa kinh tế - du lịch Gia Lai “cất cánh”. Cụ thể, sau khi hoàn thành, tuyến đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku sẽ đưa Gia Lai “lấn biển”, trở thành cửa ngõ ra biển Đông của Lào – Campuchia, đồng thời vươn xa hơn kết nối với các nước Thái Lan, Myanmar. Đây cũng là tuyến đường cao tốc ngang kết nối với các tuyến cao tốc dọc (cao tốc Bắc – Nam) góp phần hoàn chỉnh mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.

Ngoài ra, tuyến đường cao tốc tạo điều kiện để 2 tỉnh khai thác quỹ đất dọc đường, quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị kết nối, tăng nguồn thu ngân sách cho các địa phương. Kết hợp lộ trình nâng công suất của cảng hàng không Pleiku đến năm 2030 lên 4 triệu khách/năm, có thể nói Gia Lai và Tây Nguyên đã sẵn sàng đón các nhà đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao và kết nối chuỗi tiêu thụ nông sản toàn cầu.

Diễn đàn “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai” -0
Quang cảnh diễn đàn

Tại diễn đàn, các đại biểu đều cho rằng, dù có những sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao nhưng nhìn chung sản xuất nông nghiệp Tây Nguyên còn phát triển tự phát theo phong trào, hiệu quả chưa cao nên thu nhập và đời sống của đồng bào dân tộc còn thấp. Nông nghiệp Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, thách thức do diện tích rừng tự nhiên có nguy cơ suy giảm về diện tích và chất lượng; nguồn tài nguyên nước đứng trước nguy cơ suy giảm, các công trình thủy lợi mới đáp ứng khoảng 28% diện tích cần tưới toàn vùng; tình trạng di dân tự do chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm…

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thời gian tới sẽ đẩy mạnh chế biến, nhất là chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp số, thông minh, hữu cơ vào sản xuất. “Tây Nguyên cần đẩy mạnh kết nối cả ở trong và ngoài nước, mở rộng không gian tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị hàng nông sản khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, đổi mới mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, có giá trị gia tăng cao và bền vững”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp toàn vùng trên 3%/năm, diễn đàn đã kiến nghị nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản, như: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng, đổi mới cơ cấu cây trồng, chuyển đổi cây trồng kém thích nghi, hiệu quả kinh tế thấp; ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế và nhu cầu lớn. Cùng với đó là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ và hoạt động khuyến nông, hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, phát huy vai trò liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp và xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn vào Tây Nguyên để khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của vùng…

Nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tỉnh Tây Nguyên cùng một số hiệp hội ngành chủ lực đã ký kết biên bản ghi nhớ hỗ trợ các mặt hàng nông sản. Năm tỉnh Tây Nguyên và một số doanh nghiệp ký kết xây dựng các chuỗi phân phối sản phẩm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai cũng ký kết hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh.

Hoàng Anh – Nhung Trần
#