Những năm qua, đặc biệt đại dịch Covid-19, hoạt động đấu thầu trên địa bàn toàn quốc nói chung, tỉnh Lào Cai nói riêng gặp rất nhiều khó khăn; việc thực hiện pháp luật về đấu thầu cũng bộc lộ những bất cập trên thực tế. Trước tình hình đó, tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp tháo gỡ và đã có kết quả tích cực.
Tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch
Giám sát chuyên đề về hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai nhận thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn, song UBND tỉnh đã có nhiều cố gắng thực hiện hoạt động đấu thầu, bảo đảm nghiêm túc theo quy định, kịp thời đáp ứng được các nhu cầu về đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Trên cơ sở các quy định của pháp luật và các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, tỉnh Lào Cai đã xây dựng hệ thống văn bản triển khai thực hiện công tác đấu thầu trên địa bàn theo hướng tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch; ngày càng tăng phân cấp, phân quyền cho các cơ quan đơn vị được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đầu tư, mua sắm, sửa chữa tài sản công.
Công tác phổ biến, quán triệt việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu; đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đấu thầu qua mạng. Do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nên giai đoạn từ 2021 đến nay, tỉnh không mở hội nghị, lớp tập huấn về công tác đấu thầu. Các chủ đầu tư đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ dành cho các cán bộ thực hiện công tác về quản lý dự án, đấu thầu. Do đó, nguồn nhân lực thực hiện công tác đấu thầu có chứng chỉ bồi dưỡng, hành nghề cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo quy định.
Qua giám sát trực tiếp, công tác chấp hành luật đấu thầu bảo đảm theo quy định. Các gói thầu thuộc lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản đã có đơn giá, định mức được ban hành, công tác lập kế hoạch đấu thầu, lựa chọn nhà thầu được thực hiện theo kế hoạch. Có dự án khó khăn trong công tác thẩm định giá đã được UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ, thành lập Hội đồng thẩm định giá tài sản nên khó khăn cho các chủ đầu tư phần nào được tháo gỡ. Các dự án cơ bản bảo đảm tiến độ thực hiện hoặc được UBND tỉnh cho phép gia hạn với lý do khách quan, tuy nhiên còn một số dự án chậm tiến độ, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Như dự án đường Trần Hưng Đạo kéo dài; Dự án Cải tạo, sửa chữa tuyến đường TN7, thành phố Lào Cai...
Kết quả thanh tra công tác đấu thầu cho thấy, cơ bản các chủ đầu tư đã chấp hành đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Việc phân cấp cho các Chủ đầu tư được phê duyệt hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư chủ động trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Một số tồn tại, sai sót đã được các đơn vị thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh, khắc phục, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư rút kinh nghiệm đối với các gói thầu tiếp theo, việc giải quyết các khiếu nại trong hoạt động đấu thầu được thực hiện theo đúng quy định…
Lúng túng vì dễ dẫn đến rủi ro pháp lý
Bên cạnh những kết quả đạt, được hoạt động đấu thầu trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn có những vướng mắc do các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, rất cần có sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để tháo gỡ cho các địa phương và chủ đầu tư.
Đơn cử, tại điểm a khoản 1 Điều 76 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu quy định: “Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế công lập thuộc phạm vi quản lý”. Như vậy, đã làm mất tính chủ động trong quá trình tổ chức thực hiện đấu thầu của các đơn vị được giao chủ đầu tư.
Hoặc tại khoản 3 Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4.3.2023 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, vật tư y tế quy định cho phép áp dụng thí điểm hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trong năm 2023, nhưng trong trường hợp đơn vị chỉ nhận được 1 báo giá, khi gửi các công ty dịch vụ thẩm định giá thì các công ty dịch vụ thẩm định giá không thẩm định do chưa đủ điều kiện có 3 báo giá, hoặc 3 giao dịch thị trường theo quy định tại Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 6.3.2015 của Bộ Tài chính. Hoặc việc xác định hàng hóa, vật tư được áp dụng mua sắm theo tình trạng khẩn cấp chưa có quy định rõ ràng, chỉ xác định qua nhận định, dễ dẫn đến rủi ro về pháp lý...
Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có rất ít đơn vị tư vấn về thẩm định giá, tư vấn lập hồ sơ dự thầu, trong khi Hội đồng mua sắm tại các cơ quan, đơn vị chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, nghiệp vụ liên quan đến công tác mua sắm, đấu thầu hạn chế nên rất khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ mua sắm, đặc biệt là mua sắm trang thiết bị chuyên ngành. Chứng thư thẩm định giá của các công ty thẩm định giá khi thẩm định một số trường hợp ghi mang tính tham khảo nên không đủ cơ sở đưa vào lập dự toán, do đó các chủ đầu tư rất lúng túng vì dễ dẫn đến những rủi ro về pháp lý...