Tên trang: Kế hoạch “Tái sinh nông thôn” của Trung Quốc

Nội hàm của "Tái sinh nông thôn"

- Chủ Nhật, 27/02/2022, 07:02 - Chia sẻ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy một tầm nhìn mới để giải quyết các vấn đề lâu dài như sự phân chia nông thôn và thành thị, an ninh lương thực và đói nghèo với tên gọi “Tái sinh nông thôn”.

"Tái sinh nông thôn" là một nội dung quan trọng trong kế hoạch hoạt động 2020 - 2025 của chính phủ Trung Quốc. Mục tiêu bao trùm của quá trình “Tái sinh nông thôn” là đưa Trung Quốc, một quốc gia vẫn chủ yếu là nông nghiệp truyền thống, trở thành “một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, mạnh mẽ, dân chủ, văn hóa tiên tiến và hài hòa” vào năm 2049. Khi Trung Quốc đang ở giai đoạn lịch sử của quá trình hướng tới Kế hoạch 100 năm lần thứ hai, chính quyền trung ương Trung Quốc cố gắng đạt được điều này bằng cách củng cố các thành tựu xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy hiện đại hóa các ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn, thể hiện qua các kế hoạch và thông báo gần đây của chính quyền trung ương Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên phát biểu vào năm 2017 về “thực hiện chiến lược phục hồi nông thôn” và thúc đẩy phát triển nông thôn - đô thị tổng hợp trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19. Kể từ đó, chiến lược này đã xuất hiện như một trọng tâm quan trọng trong nhiều chính sách và kế hoạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ví dụ, vào năm 2018, Ủy ban Trung ương và Hội đồng Nhà nước đã ban hành Kế hoạch Chiến lược phục hồi các khu vực nông thôn giai đoạn 2018 - 2022. Sau đó, Văn phòng Phục hồi Nông thôn Quốc gia được xây dựng để thay thế Văn phòng Xóa đói giảm nghèo vào tháng 2 năm 2021. Văn phòng tìm cách tiếp tục cải thiện sinh kế của người dân nông thôn.

Nông dân chạy máy kéo qua các cánh đồng lúa mì ở tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc

Nguồn: GlobalTimes 

Chiến lược khôi phục nông thôn cũng là một trọng tâm đáng chú ý tại Hội nghị Công tác Nông thôn Trung ương gần đây vào tháng 12.2021. Hội nghị đã đề ra các kế hoạch và nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn liên quan đến tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân) cho năm tới. Hội nghị năm ngoái, do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì và quy tụ lãnh đạo từ các cơ quan nông nghiệp và nông thôn trên toàn quốc, cũng nêu bật sự cần thiết của việc khuyến khích tái sinh nông thôn. Trung Quốc chuyển trọng tâm từ công việc nông thôn sang tái tạo tổng thể nông thôn để mang lại lợi ích cho cả môi trường và người dân. Ví dụ, những kế hoạch này bao gồm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của nông thôn cũng như khuyến khích phát triển công nghiệp cấp 2 và cấp 3 ở nông thôn.

Đồng thời, chiến lược phục hồi nông thôn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông thôn, bao gồm cả việc tạo ra một nền kinh tế nông thôn mạnh mẽ. Đáng chú ý, tại Hội nghị Công tác Nông thôn Trung ương vào cuối năm 2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra khái niệm “trẻ hóa quốc gia và phục hồi nông thôn”. Ông cũng kêu gọi ĐCSTQ và xã hội Trung Quốc thúc đẩy phục hồi nông thôn.

Chiến lược này xen kẽ với một số mục tiêu quan trọng khác của Trung Quốc, chẳng hạn như “Giấc mơ Trung Hoa”, “Nền văn minh sinh thái” và “Trung Quốc tươi đẹp”. Nó cũng phù hợp với thúc đẩy phát triển xanh quốc gia, phát triển nông nghiệp xanh và các chính sách phát triển khác. Nội hàm của Tái sinh nông thôn bao gồm tăng trưởng xanh, bền vững và một nền kinh tế nông thôn vững mạnh thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng của chính quyền trung ương Trung Quốc đối với việc bảo vệ môi trường, có khả năng sẽ tiếp tục trong năm 2022 và hơn thế nữa.

Quốc Đạt