Tuyển sinh đại học năm 2022: Mức điểm chuẩn cao đã được phân tích và cảnh báo trước

- Thứ Sáu, 23/09/2022, 22:08 - Chia sẻ

Liên quan đến điểm chuẩn trúng tuyển đại học dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay gần như tuyệt đối ở một số trường, một số ngành, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hoàng Minh Sơn chỉ rõ một số nguyên nhân, đồng thời cho biết Bộ GD-ĐT đã có phân tích và cảnh báo trước.

Đến thời điểm này, công tác xét tuyển đại học năm 2022 đã hoàn thành những bước quan trọng khi tất cả các trường đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển tất cả các phương thức xét tuyển. Từ ngày 18 - 30.9, thí sinh thực hiện xác nhận nhập học trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, quá trình chạy hệ thống cũng có những trục trặc nhất định, ví dụ như buổi đầu tiên thí sinh xác nhận nhập học xảy ra hiện tượng hiển thị thông tin trúng tuyển lặp lại. “Lỗi này được khắc phục ngay sau đó và không ảnh hưởng đến kết quả trúng tuyển của thí sinh. Việc thanh toán lệ phí trực tuyến ban đầu cũng gặp một số vấn đề nhưng sau khi kéo dài thời gian và phân luồng thanh toán đã khắc phục tình trạng nghẽn, quá tải…”.

Điểm chuẩn cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân tích và cảnh báo từ trước -0
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, việc tổ chức xét tuyển đại học năm nay chuyển đổi rất mạnh về công nghệ

Ngoài ra, do có quá nhiều phương thức xét tuyển khác nhau đưa vào hệ thống nên trong quá trình đăng ký xét tuyển thí sinh có sự nhầm lẫn khi sắp xếp nguyện vọng. Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn để tổ kỹ thuật, các trường đại học sửa lỗi nhầm lẫn, sai sót, bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Đến thời điểm này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá, về tổng thể việc tổ chức xét tuyển có sự chuyển đổi rất mạnh về mặt công nghệ; góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý giáo dục đại học và giáo dục nói chung.

Về tỷ lệ thí sinh ảo, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, có thể vẫn có tỷ lệ ảo nhất định do thí sinh trúng tuyển nhưng cuối cùng lại không xác nhận nhập học vì nguyện vọng trúng tuyển không phải là nguyện vọng 1. Cũng có thể khi trúng tuyển nhưng ngành học có mức học phí quá cao, thí sinh không đủ điều kiện để theo học nên các em không xác nhận nhập học và chờ cơ hội xét tuyển bổ sung. Tất cả điều này sẽ được Bộ GD-ĐT tổng hợp, phân tích sau khi có dữ liệu đầy đủ. Tuy nhiên, chỉ trong 3 ngày 18 - 20.9 đã có 72,41% thí sinh xác nhận nhập học, cho thấy tỷ lệ ảo đã giảm mạnh.

Mặc dù điểm chuẩn trúng tuyển đại học dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay không xảy ra điểm chuẩn tuyệt đối 30/30 hoặc trên 30 điểm, nhưng vẫn có hiện tượng điểm chuẩn gần như tuyệt đối ở một số trường, một số ngành. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, mặt bằng điểm chuẩn năm nay cao là không đúng, mà có sự phân hóa mạnh. Có những ngành điểm chuẩn tăng cao nhưng cũng có ngành điểm chuẩn giảm rất nhiều.

Những ngành chỉ tiêu ít nhưng số lượng thí sinh đăng ký đông thì đương nhiên điểm chuẩn phải cao. Đặc biệt những ngành nhu cầu xã hội nhiều như Công nghệ thông tin, Kinh tế, Quản lý… điểm chuẩn lúc nào cũng cao chứ không riêng năm nay. Gần đây một số ngành Khoa học xã hội, Sư phạm điểm chuẩn tăng có lý do như sư phạm được hỗ trợ học phí, nhu cầu xã hội tăng…

Điểm chuẩn cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phân tích và cảnh báo từ trước -0
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Vì sao điểm chuẩn cao đến mức vượt trên cả điểm thủ khoa? Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, điều này Bộ GD - ĐT đã phân tích và cảnh báo trước. Một trong những lý do là việc cộng điểm ưu tiên chưa thực sự công bằng đối với những ngành có tính cạnh tranh cao. Những ngành có nhiều thí sinh đăng ký nhưng chỉ tiêu ít thì khi điểm chuẩn bị đẩy lên cao như vậy rõ ràng điểm cộng ưu tiên dù 0,1 - 0,2 điểm cũng rất quan trọng, chưa nói tới việc có thể được cộng tối đa tới 2,75 điểm. Bộ GD - ĐT đã dự thảo điều chỉnh việc cộng điểm ưu tiên, sẽ áp dụng từ năm 2023. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây được thiết kế để làm căn cứ xét tốt nghiệp THPT chứ không phải là kỳ thi THPT Quốc gia như trước. Nó đáp ứng yêu cầu đánh giá kết quả học tập thí sinh sau 12 năm học, trong đó tập trung đánh giá kiến thức, năng lực cấp THPT, đặc biệt lớp 12 làm căn cứ để xét tốt nghiệp. Kỳ thi cũng nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh, phương pháp, chất lượng dạy của các trường, các địa phương.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, đối với những ngành có tính cạnh tranh cao, việc sử dụng kết quả học bạ hay kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể chưa bảo đảm tính phân loại. Nó dẫn tới hiện tượng chênh lệch điểm chỉ 0,1 - 0,2 và sự chênh lệch này chưa nói lên nhiều điều về sự phân hóa trình độ thí sinh; chưa bảo đảm sự công bằng hoặc lựa chọn được thí sinh thực sự phù hợp.

“Đối với những ngành có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi năng lực chuyên biệt, Bộ GD - ĐT khuyến khích các trường tổ chức kỳ thi bổ sung hay có phương pháp, phương thức xét tuyển bảo đảm tính phân loại cao hơn, đánh giá năng lực chuyên biệt tốt hơn”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, ở góc độ quản lý, mặc dù các trường có quyền tự chủ trong việc đưa ra các phương thức xét tuyển nhưng Bộ GD - ĐT có cơ sở dữ liệu đầy đủ vể tình trạng thí sinh đăng ký nguyện vọng, kết quả trúng tuyển, xác nhận nhập học. Trên cơ sở dữ liệu đó, Bộ sẽ có những phân tích, nhận định để làm tốt hơn công tác quản lý và hỗ trợ các trường trong việc đưa ra phương thức xét tuyển phù hợp, công bằng và bảo đảm chất lượng. 

Minh Vân
#