Tự chủ đại học: Chuyển biến mạnh mẽ cả nhận thức và hành động
Sáng 4.8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khai mạc Hội nghị Tự chủ đại học năm 2022. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả trong triển khai tự chủ đại học, nhìn nhận khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân trọng yếu, từ đó định hướng lộ trình cùng những việc cần làm thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện các hiệp hội, tổ chức quốc tế; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng đại học (Chủ tịch Hội đồng trường), Giám đốc (Hiệu trưởng), lãnh đạo bộ phận tổ chức nhân sự của các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam diễn ra dưới sự chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt thông qua các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước ba thập niên vừa qua và đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực.
“Tự chủ đại học như một cuộc cách mạng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. Theo định hướng đổi mới đó, giáo dục đại học (GDĐH) đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đặc biệt trong mấy năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, nhiều cơ sở GDĐH đã và đang chuyển đổi dần cơ chế, từng bước thực hiện các quyền chủ động của mình và nhờ đó, các cơ sở GDĐH đã năng động hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn. Cả hệ thống đại học đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả nhận thức và hành động, cả lý luận và thực tiễn. Có thể nói, một luồng sinh khí mạnh mẽ đã xuất hiện từ bên trong của hệ thống và thúc đẩy các đại học phát triển. Giá trị và phương diện tích cực của tự chủ đại học là rõ ràng, là hiển nhiên và không thể phủ định được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, tự chủ đại học là một cơ chế mới, phức tạp, cần đồng bộ của nhiều yếu tố, nhiều khâu, nhiều hoạt động. Vì vậy, quá trình triển khai thời gian qua có những khó khăn, vướng mắc. Có vướng mắc do hệ thống văn bản quy định pháp luật có điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ và nhất quán. Khó khăn do những thói quen cũ, cách nghĩ cũ, tư duy cũ. Có cả những ngộ nhận về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan tới tự chủ… Có những trục trặc phát sinh trong quá trình chuyển đổi hệ thống và chuyển đổi của các đơn vị, các thành tố. Và cả những vấn đề nảy sinh từ các điều kiện để thực hiện tự chủ trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế - xã hội của Việt Nam hơn 30 năm qua.
Hội nghị diễn ra trong một ngày, tập trung trao đổi 3 chuyên đề: Chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế; Đổi mới quản trị đại học và quản lý nhà nước; Nguồn lực cho phát triển giáo dục đại học. Với việc đi sâu vào các chủ đề này, Ban tổ chức hy vọng hội nghị có thể làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề quan trọng, cả ở tầm vĩ mô và vi mô, tầm chính sách và các vấn đề có tính kỹ thuật, cả nhận thức và hành động, cả vấn đề bên trong và vấn đề bên ngoài có liên quan.