Tự chủ đại học

Mở rộng khoảng trời đổi mới và sáng tạo

- Thứ Sáu, 05/08/2022, 06:20 - Chia sẻ

Tự chủ đại học được kỳ vọng tạo nên cuộc cách mạng toàn diện cho giáo dục đại học Việt Nam. Mặc dù đã đạt một số kết quả, tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động, song quá trình thực hiện tự chủ đại học vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hướng tới thực chất và bền vững

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở giáo dục đại học sớm thực hiện cơ chế tự chủ đại học. Trường chủ động đổi mới mọi mặt, khai thác mọi nguồn lực, phát huy năng lực và thế mạnh để thúc đẩy các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ. Tại Hội nghị Tự chủ đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 4.8, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chia sẻ: “Quan điểm của chúng tôi là lấy nhà trường làm nền tảng - người thầy là chủ thể, động lực phát triển - người học làm trung tâm”. Trong đó, người thầy được tạo điều kiện tối đa để phát triển giảng dạy và nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, khẳng định và nâng cao vị thế thương hiệu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong khởi nghiệp, khởi nguồn và đổi mới sáng tạo. Với từng bước đi như vậy, trường lần lượt có mặt và tăng bậc trong các bảng xếp hạng thế giới uy tín.

Mở rộng khoảng trời đổi mới và sáng tạo -0
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu trao đổi bên lề Hội nghị Tự chủ đại học 2022. Nguồn: ITN

Tự chủ đại học tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy các trường đầu tư vào điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút sinh viên giỏi, hướng tới thực chất và phát triển bền vững. Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Phạm Hồng Chương khẳng định: Nhờ cơ chế tự chủ, trường đã đa dạng phương thức tuyển sinh, nâng cao chất lượng đầu vào, chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các phương thức xét tuyển khác nhau, chủ động điều chỉnh quy mô tuyển sinh cho các ngành khác nhau… Đơn cử, năm 2022, trường tuyển sinh 6.100 chỉ tiêu cho 60 mã ngành và chương trình, với 4 phương thức tuyển sinh khác nhau.

Không chỉ thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo mà theo báo cáo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp, có chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học. Dẫn chứng là tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021; hiện tại có tới 32,76% trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); 13,79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2); từ 2018 - 2021, tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đa phần tăng, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng; giảng viên thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu đồng/năm trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97%.

Nhất quán trong tư duy và hành động

Một số mô hình tự chủ đại học dần được định hình; nhận thức về tự chủ đại học nâng lên ở tầm cao mới. Rõ ràng, tự chủ đại học đã tạo ra sức sống mới giúp các trường công lập nâng cao chất lượng đào tạo, hướng tới cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao hơn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng thẳng thắn nhìn nhận, quá trình triển khai tự chủ đại học thời gian qua có nhiều khó khăn, vướng mắc. Vướng mắc do hệ thống văn bản quy định pháp luật có điểm chồng chéo, thiếu đồng bộ và nhất quán. Khó khăn do những thói quen cũ, cách nghĩ cũ, tư duy cũ. Có những ngộ nhận về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan tới tự chủ… Có những trục trặc phát sinh trong quá trình chuyển đổi hệ thống và chuyển đổi của các đơn vị, các thành tố. Và cả những vấn đề nảy sinh từ các điều kiện để thực hiện tự chủ trong bối cảnh chuyển đổi kinh tế - xã hội của Việt Nam hơn 30 năm qua.

“Tự chủ đại học cho các trường một khoảng trời đổi mới và sáng tạo”. Nhận định như vậy nhưng GS. TS. Trần Đức Viên, Phó Chủ tịch Thường trực Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần hơn nữa sự nhất quán trong tư duy và hành động, từ văn bản pháp luật đến thực tiễn thực hiện để thúc đẩy tự chủ thực chất. Đồng quan điểm, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT đặt vấn đề, sứ mạng của đại học là kiến tạo tương lai, dẫn dắt kinh tế - xã hội chứ không phải đi sau để xã hội hiện tại dẫn dắt. Nếu như đại học không tự chủ thì làm sao giải phóng được sức sáng tạo của nhà trường, làm sao phát triển với tốc độ nhanh trong nền kinh tế tri thức không theo quy luật “cá lớn nuốt cá bé” mà là quy luật “nhanh thắng chậm”, nhanh theo tốc độ mở của hàm mũ”. 

Khi bàn về tự chủ trong giáo dục đại học, chất lượng thường là yếu tố được nhấn mạnh. Tuy nhiên trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, nên chăng mục tiêu chiến lược kết hợp hài hòa giữa chất lượng, số lượng và hiệu quả - TS. Lê Trường Tùng nêu quan điểm.

Nhấn mạnh, “chìa khóa” để thành công trong tự chủ đại học là các cơ sở giáo dục đại học phải có được nhận thức đúng đắn về tự chủ đại học, PGS. TS. Bùi Anh Tuấn, Trường ĐH Ngoại Thương, khẳng định, cần coi tự chủ đại học là một xu thế tất yếu cho sự phát triển và sẽ là xu thế chủ đạo trong thời gian tới. Để làm được điều này, cần nhanh chóng thay đổi tư duy của viên chức và lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục đại học công lập. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm sự thống nhất, đoàn kết giữa các thiết chế Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu trong quản trị đại học. Tùy vào tình hình cụ thể của cơ sở giáo dục đại học mà các vị trí này được bố trí, sắp xếp một cách phù hợp, khoa học, bảo đảm sự gắn kết, hỗ trợ, kiểm soát lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung của cơ sở giáo dục đại học.

Khải Minh - Thái Minh