- Miễn học phí cho các bậc học phổ thông là chính sách ưu việt được Đảng, Nhà nước quan tâm thúc đẩy, xã hội mong chờ. Bà có ý kiến gì về đề xuất trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
- Tôi cho rằng đây là chính sách nhân văn, đúng đắn, cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Đề xuất này hoàn toàn có cơ sở, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong thực hiện quyền học tập của người dân. Trên thực tế, chính sách dành cho giáo dục đang ngày càng tốt hơn theo đúng tinh thần “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”. Việc thực hiện giáo dục phổ cập, miễn học phí chính là vấn đề an sinh, là trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân dễ dàng tiếp cận và hoàn thành bậc học phổ cập.
Mặt khác, về nguyên tắc, cưỡng bách giáo dục đến bậc học nào là phải miễn học phí ở bậc học đó. Theo đó, khi THCS đã được quy định là cấp học phổ cập thì việc thu học phí bậc THCS đang là một nghịch lý, cần được khắc phục. Việc đẩy nhanh lộ trình miễn học phí cho giáo dục phổ cập là rất cần thiết và có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh người dân có thu nhập thấp, điều kiện kinh tế khó khăn bởi đại dịch Covid-19 đang là nguy cơ có thể làm gia tăng số học sinh bỏ học ở không ít địa phương.
- Có ý kiến cho rằng, đến thời điểm này mới đề xuất miễn học phí cho học sinh bậc THCS là muộn so với các nước trong khu vực. Điều này có đúng không, thưa bà?
- Chúng ta đã đi chậm hơn so với các nước trên thế giới và trong khu vực, dù rằng chúng ta cũng có nhiều điểm sáng về chính sách giáo dục, chẳng hạn như đưa vào Luật Giáo dục quy định “bảo đảm ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách Nhà nước”, hoặc rất nhiều những chính sách về đất đai, tín dụng dành cho giáo dục.
Nhưng tôi muốn tiếp cận vấn đề này từ chính trong nội tại của đất nước. Cần thấy rằng tư tưởng giáo dục bắt buộc và chính sách miễn học phí đã được hiến định từ rất sớm, đó là quy định về "Nền sơ học cưỡng bách và không học phí…" trong Hiến pháp 1946 quy định giáo dục bắt buộc ở cấp học phổ thông và miễn học phí trong Hiến pháp 1959, 1980. Còn theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng xác định mục tiêu từ sau năm 2020, bậc học phổ thông sẽ thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm. Tuy nhiên, đến nay, mục tiêu ấy vẫn phải thực hiện theo lộ trình. Theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, phải đến năm học 2025 - 2026, học sinh THCS mới thuộc đối tượng ưu tiên miễn học phí. Vì vậy, câu chuyện miễn học phí vẫn đang dừng lại ở mức đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nói là muộn cũng không sai.
Luật Giáo dục 2019 đã giao thẩm quyền quyết định lộ trình miễn học phí cho Chính phủ. Và việc xác định mốc hoàn thành miễn học phí cho bậc phổ cập trong Nghị định 81/2021/NĐ-CP cũng đã được Chính phủ cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, các cơ quan của Chính phủ cần phối hợp với ngành giáo dục để có sự tính toán, đánh giá tác động của chính sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất. Nếu ngân sách Nhà nước có thể điều tiết được thì có thể rút ngắn lộ trình cho hợp lý, vì sự đầu tư đúng lúc cho giáo dục không chỉ giải quyết vấn đề chính sách ngày hôm nay mà sẽ đem lại hiệu quả lâu dài qua việc góp phần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai. Xã hội chắc chắn đang chờ câu trả lời từ phía Chính phủ.
- Ngân sách nhà nước sẽ phải chi bù đắp cho các hoạt động giáo dục nếu không thu học phí ở bậc học THCS. Vậy điều kiện nào để đảm bảo đề xuất này hợp lý, khả thi? Và những vấn đề nào cần lưu ý để có thể thực hiện được chính sách mà vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục, thưa bà?
- Việc chi bù đắp cho các hoạt động giáo dục nếu không thu học phí ở bậc học THCS là yêu cầu đương nhiên phải đáp ứng của ngân sách, cụ thể là ngân sách của địa phương theo phân cấp quản lý. Mặc dù chưa có Nghị quyết của Chính phủ, nhưng hiện nay TP. Hải Phòng đã tiên phong ban hành chính sách miễn học phí từ năm học 2020-2021 cho học sinh THCS để hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, đã có hàng chục địa phương thực hiện hỗ trợ miễn 100% hoặc 50% học phí cho bậc học mầm non và THCS như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy khả năng hiện thực của chính sách miễn học phí THCS ở những địa phương có nguồn ngân sách khá.
Tôi cho rằng, Chính phủ cần rà soát, mở hành lang pháp lý và khuyến khích các địa phương chủ động trong thực hiện lộ trình việc miễn học phí cho bậc học THCS. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ cho những địa phương khó khăn để bảo đảm công bằng trong cơ hội tiếp cận chính sách giáo dục.
Bên cạnh đó, cần tính thêm những vấn đề phát sinh xung quanh khả năng của ngân sách Nhà nước trong chi bù đắp cho các hoạt động giáo dục nếu không thu học phí ở bậc học THCS. Nếu miễn giảm học phí, nhưng Nhà nước không có khả năng chi bù đắp thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giáo dục, vì thiếu nguồn kinh phí triển khai các hoạt động trong cơ sở giáo dục phổ thông. Và hệ quả có thể là câu chuyện lạm thu mà dư luận và các bậc phụ huynh thường xuyên đề cập mỗi khi chuẩn bị vào năm học mới. Giải quyết được điều này thì chính sách miễn học phí mới có ý nghĩa thực sự.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!