Mang lại nhiều lợi ích thiết thực

- Thứ Tư, 21/09/2022, 06:38 - Chia sẻ

Bình Định là một trong 11 tỉnh, thành phố được Bộ Y tế hỗ trợ triển khai Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học dioxin giai đoạn 2018 - 2021”. Dự án đã giúp các nạn nhân cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống thông qua các biện pháp thiết thực.

Nguy cơ do chất độc hóa học/dioxin vẫn còn đó

Báo cáo của Hội Nạn nhân chất độc hóa học/dioxin tỉnh cho thấy, Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, diện tích tự nhiên là 6.025km2, trải dài theo hướng Bắc Nam 110km, toàn tỉnh có 11 huyện, thị xã, thành phố và 159 xã, phường, thị trấn. Trong chiến tranh sân bay Phù Cát là 1 trong 3 kho chứa chất độc hóa học của quân đội Mỹ, từ năm 1961 - 1971, quân đội Mỹ đã thực hiện 441 vụ rải trên 1.882.000 lít thuốc diệt cỏ.

Đến nay, chiến tranh đã kết thúc hơn 43 năm nhưng hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam vẫn còn rất nghiêm trọng để lại thảm họa đối với môi trường và sức khỏe người dân vô cùng nặng nề với gần 5 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân của chất độc hóa học. Tính đến tháng 12.2017, tỉnh Bình Định đã có 3.214 nạn nhân được công nhận và hưởng trợ cấp hàng tháng, tăng 1.786 người so với năm 2013 (trong đó hoạt động kháng chiến là 2.413 người, tăng 1.683 người và con đẻ của họ là 801 người, tăng 103 người). Năm 2017 và 8 tháng năm 2018 đã đưa được 156 nạn nhân của các huyện, thị xã, thành phố đến điều trị tại Bệnh viện, trong quá trình điều trị được hỗ trợ tiền 450.000 đồng/1 người/10 ngày. Như vậy, bảo hiểm y tế chi trả chi phí trung bình 5 - 6 triệu đồng/người tùy vào phác đồ điều trị của người bệnh. Qua các đợt điều trị kết quả bước đầu đem lại niềm phấn khởi và tin tưởng của người  bệnh vào sự quan tâm của cộng đồng…

Tuy nhiên, đến nay nguy cơ do chất độc hóa học/dioxin vẫn còn đó, một số vùng vẫn chưa được xử lý triệt để như huyện Hoài Nhơn, huyện Phù Cát. Điều đáng nói, hậu quả của chất độc hóa học/dioxin trong chiến tranh đã để lại di chứng nặng nề, làm cho rất nhiều gia đình bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Nhiều nạn nhân luôn mang trong mình nỗi lo lắng về bệnh tật trong cuộc sống. Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã lựa chọn tỉnh Bình định là một trong 11 tỉnh để triển khai Dự án “Chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc hóa học dioxin giai đoạn 2018 - 2021” (Dự án). Trong quá trình thực hiện, Sở Y tế Bình Định đã chỉ đạo Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh phối hợp với các cơ quan y tế trên địa bàn, phối hợp tốt với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao…

Khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe cho người dân tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe cho người dân tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Đem lại cơ hội tiếp cận y tế 

 Ngoài các cơ sở y tế thì việc giúp nạn nhân chất độc hóa học chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng tại cộng đồng cũng là hướng mà dự án Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018 - 2021, đang ưu tiên triển khai.

Huyện Phù Cát là một trong những điểm nóng có độ tồn lưu cao chất độc hóa học của quân đội Mỹ. Là địa bàn có số nạn nhân phơi nhiễm đông, huyện Phù Cát là một trong hai huyện được Dự án chọn triển khai hỗ trợ nạn nhân chất độc hóa học/dioxin, người khuyết tật đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Cụ thể, 50 cán bộ nhân viên và cộng tác viên thuộc Trung tâm Y tế huyện Phù Cát được tập huấn về sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, xác định nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. 8.621 người dân sống quanh các điểm nóng về phơi nhiễm chất độc hóa học sẽ được lập hồ sơ theo dõi và quản lý sức khỏe; tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và được tư vấn và hỗ trợ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng phù hợp với tình trạng bệnh tật. Trong trường hợp phát hiện bệnh, các nạn nhân và người nhà được các bác sĩ hướng dẫn làm thủ tục chuyển tuyến theo quy định. 100% hộ gia đình sinh sống quanh tại các vùng điểm nóng về phơi nhiễm chất độc hóa học được tuyên truyền nâng cao nhận thức và các biện pháp phòng tránh bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin...

Bác sĩ Võ Ngọc Phải - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh Bình Định cho biết, trong thời gian qua Dự án đã đem lại cơ hội cho các nạn nhân và người khuyết tật tham gia vào các vấn đề y tế. Các nạn nhân và người nhà được quan tâm, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. Đồng thời, phát hiện sớm can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ em để kịp thời có phác đồ điều trị.  “Những đau thương, mất mát của các nạn nhân chất độc hóa học trong gia đình của họ là những nỗi đau không thể xóa bỏ. Để bù đắp một phần nhỏ những mất mát đau thương ấy, mỗi người chúng ta cần quan tâm chia sẻ về tinh thần đối với nạn nhân chất độc hóa học dioxin, người khuyết tật. Đây cũng chính là mục tiêu của Dự án, với mong muốn hỗ trợ cải thiện tình trạng sức khỏe của các nạn nhân” bác sĩ Võ Ngọc Phải chia sẻ.

Nguyễn Ngân