Mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ từ 0 - 6 tuổi

Giảm tỷ lệ, mức độ khuyết tật cho trẻ em

- Thứ Sáu, 30/09/2022, 06:21 - Chia sẻ

Phát hiện sớm, can thiệp sớm là mô hình can thiệp toàn diện góp phần làm giảm tỷ lệ, mức độ khuyết tật ở trẻ em từ 0 - 6 tuổi giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ và gia đình. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng mà Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018 - 2021” đang tích cực triển khai.

Cần phát hiện sớm để can thiệp

Mặc dù, đã có nhiều chế độ, chính sách trợ giúp người khuyết tật được thực hiện kịp thời, đúng quy định, tạo điều kiện để nhiều người vươn lên tham gia các hoạt động KT - XH, góp phần bảo đảm an sinh xã hội nhưng các hoạt động phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ từ 0 - 6 tuổi vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi lợi ích của phát hiện và can thiệp sớm lại rất lớn. Nắm bắt nhu cầu đó, Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018 - 2021” (Dự án) được triển khai tại 11 tỉnh với mục tiêu giúp cho con cháu nạn nhân chất độc hóa học/dioxin (CĐHH/dioxin) và trẻ dưới 6 tuổi sống trong vùng bị phơi nhiễm CĐHH được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, theo dõi định kỳ để phát hiện sớm và can thiệp sớm khuyết tật tại cộng đồng.

Khi Dự án được triển khai tại các tỉnh thành, các đơn vị chức năng đã tập trung rà soát, điều tra và sàng lọc phát hiện trẻ khuyết tật ở trẻ em dưới 6 tuổi tại nhà và tại trường mầm non, đồng thời thực hiện các hoạt động can thiệp phục hồi chức năng (PHCN). Theo đó, các cán bộ y tế trường học và y tế xã sau khi được tham gia lớp tập huấn cách phát hiện sớm khuyết tật tổ chức sàng lọc phát hiện khuyết tật với các học sinh theo học tại trường. Các cán bộ y tế thôn trong chương trình PHCN dựa vào cộng đồng tiến hành rà soát các trẻ chưa tới độ tuổi đến trường có nguy cơ mắc khuyết tật tại cộng đồng; rà soát trẻ có nguy cơ mắc khuyết tật và triển khai tư vấn, hướng dẫn gia đình chuyển tuyến khám, điều trị PHCN.

Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về PHCN cho trẻ khuyết tật giữa các bà mẹ có con bị cùng dạng khuyết tật nhằm xây dựng hệ thống tư vấn trực tiếp, tạo điều kiện để cộng đồng tiếp cận thông tin về chăm sóc, PHCN và phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật dễ dàng. Đồng thời, các cán bộ y tế chủ chốt phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp cho cộng đồng theo các chủ đề. Mặt khác, lồng ghép các nội dung chăm sóc PHCN và phục hồi sớm, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật thông qua các cuộc họp của các ban, ngành địa phương. Các ban, ngành, hội nạn nhân CĐHH, đoàn thanh niên… cũng tổ chức các sự kiện xã hội, các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát hiện sớm, can thiệp sớm và PHCN cho nạn nhân và người khuyết tật nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và huy động sự tham gia của các đoàn thể và cộng đồng trong hoạt động chăm sóc/hỗ trợ nạn nhân da cam và người khuyết tật.

Phát hiện sớm, can thiệp sớm để giảm tỷ lệ, mức độ khuyết tật cho trẻ em
Phát hiện sớm, can thiệp sớm để giảm tỷ lệ, mức độ khuyết tật cho trẻ em
Nguồn: ITN

Thúc đẩy hòa nhập xã hội

Can thiệp sớm giúp ngăn ngừa các nguy cơ gây ra khuyết tật, kích thích trẻ phát triển bình thường, khỏe mạnh. Giai đoạn can thiệp sớm là 0 - 6 tuổi. Đây là giai đoạn hết sức quan trọng quyết định cuộc đời của trẻ. Kịp thời phát hiện các vấn đề về trí tuệ, thể chất, tinh thần để có biện pháp can thiệp để giúp trẻ phát triển bình thường.

Sau hơn 3 năm triển khai Dự án, hiện đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho 355 cán bộ y tế tại 4 tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Hải Phòng, Quảng Ninh về kỹ thuật phục hồi chức năng cho nạn nhân/người khuyết tật tại cộng đồng; 158 cán bộ y tế tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh được chuyển giao kiến thức và kỹ năng về phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em dưới 6 tuổi khuyết tật tự kỷ. Đáng chú ý, đã có 33.660 trẻ ở 120 xã thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An được điều tra, sàng lọc; 25.034 trẻ từ 0 - 6 tuổi tại Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nghệ An, Thái Nguyên, Hà Tĩnh được sàng lọc phát hiện sớm dấu hiệu tự kỷ; 789 trẻ em dưới 6 tuổi có nghi ngờ tự kỷ tại Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nghệ An và Thái Nguyên, Hà Tĩnh được khám sàng lọc, chẩn đoán xác định phát hiện nhu cầu cần can thiệp PHCN. Và, 789 trẻ em dưới 6 tuổi trong vùng dự án được chẩn đoán xác định tự kỷ thông qua khám sàng lọc được; 272 gia đình có trẻ em được chẩn đoán tự kỷ đã được hướng dẫn lý thuyết và hướng dẫn thực hành về kỹ thuật PHCN tại nhà…

Có thể thấy, đây là những kết quả đáng ghi nhận mà Dự án mang lại. Để nhân rộng mô hình, năm 2022, Dự án tiếp tục được triển khai tại tỉnh Bình Định. Theo đó, sẽ tiến hành điều tra sàng lọc cho khoảng 8.000 trẻ dưới 6 tuổi, khám phân loại khuyết tật cho 600 trẻ. Khám, chẩn đoán trẻ mắc rối loạn tự kỷ cho 100 trẻ; Hướng dẫn gia đình trẻ tự kỷ can thiệp khoảng 100 gia đình; Triển khai can thiệp trẻ tự kỷ và đánh giá sau can thiệp khoảng 100 trẻ.

Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng tỉnh Bình Định Võ Ngọc Phải khẳng định, những hiệu quả mà mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ từ 0 - 6 tuổi là điều mà chúng ta không thể phủ nhận. Mô hình này, không chỉ có ý nghĩa bảo đảm và tăng cường sự phát triển cá nhân của trẻ mà còn góp phần nâng cao năng lực cho gia đình và thúc đẩy hòa nhập xã hội. Đồng thời, thúc đẩy việc áp dụng mô hình ở quy mô toàn quốc.

Hiện, Bệnh viện Nhi Trung ương đang phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bình Định và Trung tâm Y tế huyện Phù Cát thực hiện tập huấn về khám sàng lọc; phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật ở trẻ từ 0 - 6 tuổi. Mới đây, phía bệnh viện đã cử 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 2 kĩ thuật viên tham gia đào tạo tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong vòng 3 tháng.

Nguyễn Ngân