Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình

Chỉ đạo tuyến góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

- Thứ Bảy, 06/08/2022, 06:35 - Chia sẻ

Công tác chỉ đạo tuyến không chỉ giúp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình tiếp nhận, phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới từ tuyến trên mà còn giúp các cơ sở y tế tuyến dưới được chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật, nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.

Tăng kết nối với tuyến trên

Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày cao của người dân, cùng với việc quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế, những năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình luôn chú trọng đào tạo nhân lực giúp cán bộ, nhân viên trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Một trong những mũi nhọn được Bệnh viện hướng tới là công tác chỉ đạo tuyến. Thông qua hoạt động chỉ đạo tuyến, đào tạo chuyển giao kỹ thuật, trong nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu như can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim hở; phẫu thuật cắt dạ dày, trực tràng, cắt gan; thay khớp háng, khớp gối; xạ trị điều biến liều; phẫu thuật tổn thương về soi, nội soi lấy thoát vị đĩa đệm… và nhiều kỹ thuật cao về chuyên ngành nội - ngoại khoa khác…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ, nếu như giai đoạn 2008 - 2013, các thầy thuốc ở bệnh viện tuyến trên trực tiếp về chỉ dạy; giai đoạn 2013 - 2018 học viên lên học trực tiếp ở tuyến trên thì từ năm 2019 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phương pháp chuyển giao kỹ thuật cao đã thay đổi sang hình thức trực tuyến qua telehealth. Đây là phương pháp giúp bác sĩ ở những đơn vị y tế khác nhau kết nối qua ứng dụng công nghệ hiện đại để cùng hội chẩn, nêu ý kiến và đưa ra giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Hiện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là một trong những bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện E, Bệnh viện K... Mỗi tuần 5 buổi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tham gia mạng lưới để cùng trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ về nội, ngoại, chấn thương, sản, nhi, ung bướu, tim mạch, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.

So với cầm tay chỉ việc, phương pháp telehealth có nhiều ưu điểm khi cùng một thời điểm có thể tư vấn, hỗ trợ cho nhiều bệnh viện. Nội dung tư vấn, hỗ trợ đa dạng, có thể theo nhu cầu của tuyến dưới. Nhờ phương pháp này, các bệnh viện, bác sĩ, nhân viên y tế thêm gắn kết. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những nhược điểm, một số buổi tư vấn còn mang tính lý thuyết.

Là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E Hà Nội từ năm 2014, trong những năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình được chuyển giao nhiều kỹ thuật phẫu thuật tim hở phức tạp. Đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình đã làm chủ được nhiều kỹ thuật chuyên sâu như thay van 2 lá, phẫu thuật nội soi tim, bắc cầu mạch vành, phẫu thuật vỡ phình động mạch chủ bụng…. Việc triển khai khám, chữa bệnh từ xa giúp các bác sĩ được hội chẩn trực tuyến, đưa ra các chỉ định điều trị kịp thời cho các ca bệnh khó, giúp nâng cao hiệu quả điều trị, người dân được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tuyến tỉnh, giảm tải cho tuyến Trung ương.

BVĐK tỉnh Thái Bình thực hiện phẫu thuật tim hở theo Chương trình khám chữa bệnh từ xa  Bệnh viện E Hà Nội
Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình thực hiện phẫu thuật tim hở theo Chương trình khám chữa bệnh từ xa Bệnh viện E Hà Nội
Nguồn: ITN

Hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới

Song song với việc tiếp nhận kỹ thuật từ tuyến trên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng thường xuyên kết nối với các cơ sở y tế tuyến dưới để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật. Sau khi có đề án khám, chữa bệnh từ xa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tháng 2.2022, Bệnh viện đã khai trương hệ thống khám, chữa bệnh từ xa với các cơ sở y tế trong tỉnh, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tuyến dưới thông qua công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật. Đến nay, có 9 bệnh viện tham gia mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa.

Qua đó, các bệnh viện tuyến dưới được tư vấn, hội chẩn các ca bệnh khó như chảy máu dạ dày trên nền tiểu đường, tai biến mạch máu não... Từ khi có sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh nhân có nhiều bệnh hoặc có bệnh lý cấp tính trên nền bệnh lý mạn tính đã được điều trị kịp thời ngay ở bệnh viện tuyến huyện mà không phải chuyển lên tuyến tỉnh.

Để thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, dựa trên mặt bệnh có số lượng bệnh nhân đến khám điều trị đông, bác sĩ, nhân viên y tế tuyến dưới có thể trao đổi trực tiếp những câu hỏi liên quan với đội ngũ y tế giàu chuyên môn tuyến trên. Việc kết nối trực tuyến đã giải đáp kịp thời những băn khoăn cho bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới. Ngoài telehealth, các bác sĩ còn duy trì hội chẩn qua điện thoại, zalo... Đây là hình thức hội chẩn hiệu quả của các chuyên ngành trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh với bệnh viện đa khoa 8 huyện, thành phố. Trong năm 2022, các bệnh viện đề xuất Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật 48 nội dung về nội khoa, ngoại khoa, cận lâm sàng. Nhiều bệnh viện đã đăng ký đào tạo tại chỗ có mời Bệnh viện Đa khoa tỉnh về hỗ trợ.

Cao Linh