Nhưng hôm nay tôi muốn nói một khía cạnh khác, một sự phụ thuộc. Giống như một căn bệnh nhẹ, nó có vẻ không mấy đáng ghét, nhưng suy cho cùng vẫn bòn rút sức lực của ta mà ta không biết, lại còn đua nhau vươn cổ cho nó chém nữa. Đó là sự phụ thuộc trong sinh hoạt.
Từ lâu dân Hà Nội đã đồn nhau là mấy khách sạn lớn nhất ở đây thường dùng rau và thịt chuyển từ nước ngoài về, chứ không dùng đồ mua từ các chợ quanh phố như dân bản địa. Mươi năm trước, nghe những chuyện đó, lập tức thấy sao mà họ cầu kỳ và có phần rởm nữa. Sống ở đây mà tách ra như trên một hòn đảo, sao họ lạ vậy? Ai ngờ cái nếp sống đó giờ đây lan ra trong nhiều tầng lớp dân thường, nhất là sau các đợt phát hiện rau quả có phun hóa chất, còn các loại dịch bệnh trên gia súc gia cầm thì hoành hành, cứ chấm dứt được ít lâu lại bùng phát trở lại. Nếu tôi không nhầm thì trong những mặt hàng giảm thuế để tránh lạm phát mới ban hành gần đây, có cả thịt lợn.
Ở đây tôi không dừng lại ở khía cạnh đạo lý của vấn đề mà chỉ vấn vương ở chỗ là hình như chính chúng ta đang không nuôi chúng ta bằng các thứ thổ sản của ông cha; không xài thứ hàng mà chính đồng bào trong nước chúng ta làm ra, mà toàn dùng hàng ngoại. Tại sao tình trạng này ngày một phát triển? Nghĩ tận căn nguyên thấy có hai lý do. Một là hàng ngoại rẻ và tốt. Thứ hai là nhiều khi hàng ngoại đáp ứng được cái nhu cầu sát sườn của mình mà hàng nội không đáp ứng nổi.
Liên quan tới lý do thứ nhất, có một ví dụ tôi nghe từ mấy năm trước thấy rất có ý nghĩa. Là ngay ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh hay Cần Thơ, nhiều người dân đang thích dùng gạo chuyển từ Thái Lan sang. Trời! Giá vài chục năm trước, nghe ai nói thế chúng ta sẽ bảo là chuyện bịa. Làm gì lại ra nông nỗi như thế. Từ Thái sang quá diệu vợi, còn công tàu bè chuyên chở công bốc vác, sao mà rẻ được?! Mà làm gì có chuyện gạo họ ngon hơn, hợp với cái hương vị nồi cơm mà mỗi người chúng mình được thấm từ hồi còn bú mẹ! Hóa ra thời thế thay đổi, việc không ai tưởng là có, nay đều có cả.
Liên quan tới ưu thế của hàng ngoại trong việc đón đường và nắm bắt nhu cầu, sau đây là câu chuyện tôi nghe từ miệng mấy bà bán hàng lặt vặt ở phố chợ Hà Nội (tôi cố ý tránh chữ phố cổ mà thấy gọi là phố chợ có lẽ hợp hơn). Từ lâu người Hà Nội có thói quen là nếu chiến thắng trong các cuộc đua tranh trong thể thao là đổ ra đường ăn mừng. Lúc đó người ta thích mua cờ và các băng khẩu hiệu để trương lên, giá đắt cũng mua. Một số nhà sản xuất Việt Nam cũng biết điều đó, nhưng vốn mỏng không làm được bao nhiêu. Khôn ngoan và biết tổ chức công việc hơn là các nhà sản xuất từ bên kia biên giới. Họ nắm ngay lấy khoảng trống đó. Mỗi lần dân Thủ đô có nhu cầu là hàng từ biên giới phía Bắc tràn về. Rút cục dân buôn mình chỉ thành trung gian bán lẻ cho đồng bào mình thứ hàng mà họ sản xuất.
Không chỉ trong chuyện băng cờ khẩu hiệu mà nhiều mặt hàng khác cũng có tình trạng tương tự. Theo tôi hiểu, đây là cả một xu hướng mà mỗi ngày chúng ta cảm thấy rõ rệt hơn. Mọi dòng nước ngược phản công lại cũng có nhưng không thấm thía gì cả.
Trong Nỗi lòng ai tỏ của Nguyễn Công Hoan, nhân vật chính là một cô gái tân thời. Đang tự nhiên cô suốt ngày thở ngắn than dài bỏ cơm, lên giường thút thít khóc, khiến cho cả nhà phải lo lắng. Cô bảo chỉ có một người bạn gái mới hiểu được cô và giải phiền cho cô. Đến khi người bạn kia tới thì cô nhỏm ngay dậy tâm sự. Sở dĩ cô buổn - buồn - buồn mất mấy ngày, ấy là vì một nhân vật tiểu thuyết cô đang đọc chết, thương quá !
Tôi nghĩ đến những con người thời nay. Chắc hẳn hàng ngày không thiếu cảnh cậu ấm cô chiêu ở các nhà giàu đập chân đập tay hành hạ bố mẹ vì không tìm ra mấy loại xe mới cho họ trưng diện. Nhưng đáng sợ hơn cả những cán bộ bình thường ngủ trưa trên bàn cơ quan và chia nhau suất cơm hộp chục ngàn cũng để hết tâm trí cả vào những Chelsea với lại Real Madrid ở các phương trời xa. Không đủ trình độ phán xét là hay hay dở, tôi chỉ biết cái sự đặt vui buồn trong tay kẻ khác như thế này đang trở thành cách sống thời đại, không ai cưỡng nổi.
Vương Trí Nhàn