Nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo

Khải Minh 18/12/2021 17:12

Sáng 18.12, tại Hà Nội, Ban quản lý Chương trình ETEP đã tổ chức hội thảo trực tuyến "Nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018". Hội thảo có sự tham gia của đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD - ĐT), giảng viên sư phạm ĐH Huế và hàng trăm giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của Bình Định.

Điều kiện tiên quyết để đổi mới giáo dục thành công

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhấn mạnh: Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời… Từ định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh như vậy đòi hỏi phải đổi mới cách dạy, cách học.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Để thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông mới, một trong những điều kiện tiên quyết là phải bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông về phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đây chính là định hướng căn bản, chủ đạo của Bộ GD - ĐT trong công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hiện nay và thời gian tới.

Theo Ban Quản lý Chương trình ETEP, từ năm 2019 đến nay, Chương trình ETEP đã bồi dưỡng 28.000 giáo viên cốt cán và 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán trong toàn quốc. Cho đến thời điểm này, đội ngũ giáo viên cốt cán đã hoàn thành bồi dưỡng 5 module quan trọng: Hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới; Sử dụng phương pháp dạy học, giáo dục phát triên phẩm chất, năng lực học sinh; Kiểm tra, đánh giá theo phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Tư vấn, hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học, giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Trong tháng 12 này, đội ngũ cốt cán sẽ tiếp tục hoàn thành module thứ 6 “Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông và công nghệ trong dạy học, giáo dục nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh”. Đồng thời, tất cả tài liệu của 9 module bồi dưỡng sẽ được đăng tải trên Hệ thống trực tuyến LMS giúp thầy cô, nhà trường hoàn toàn chủ động thời gian, có thể học mọi lúc mọi nơi, phù hợp với kế hoạch cá nhân để phát triển nghề nghiệp thường xuyên, liên tục.

Việc bồi dưỡng đã đi vào nề nếp

Thời gian qua, Trường Đại học Sư phạm (ĐH Huế) đã phối hợp chặt chẽ với gần 10 Sở Giáo dục và Đào tạo theo địa bàn được phân công, trong đó có Sở GD - ĐT Bình Định, tổ chức bồi dưỡng 5 module cho đội ngũ giáo viên cốt cán và hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng các module rất hiệu quả, thực hiện đúng quy trình bảo đảm chất lượng bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và đại trà.

Hầu hết thầy cô giáo đại trà ở Bình Định đã hoàn thành bồi dưỡng những module cốt lõi theo kế hoạch của Bộ GD - ĐT để có thể vững tin thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tính đến ngày 1.12, Bình Định là địa phương thuộc nhóm đầu hoàn thành gần 100% việc bồi dưỡng giáo viên.

Giám đốc Sở GD - ĐT Bình Định Đào Văn Tuấn cho biết, do cách bồi dưỡng hoàn toàn mới so với triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành nên ban đầu nhà trường, giáo viên còn bỡ ngỡ. Kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán còn hạn chế; giáo viên tự bồi dưỡng trên hệ thống gặp khó khăn do đường truyền internet tại một số huyện miền núi chưa tốt; việc vận dụng kiến thức bồi dưỡng vào thực tiễn tại đơn vị của một số giáo viên chưa hiệu quả…

“Nhưng đến nay, việc bồi dưỡng ngày càng đi vào nền nếp. Thời gian tới, Sở GD - ĐT Bình Định sẽ tiếp tục triển khai bồi dưỡng đại trà các module còn lại cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục một cách linh hoạt, tự học, tự bồi dưỡng, kết hợp học trực tuyến với trực tiếp; đồng thời, nâng cao hiệu quả sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, để đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ trong chặng đường đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo”, ông Đào Văn Tuấn thông tin.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO