Kích hoạt các trạm y tế lưu động
Để thích ứng an toàn, linh hoạt, cũng như thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, cùng với việc nhanh chóng hình thành các đội phản ứng nhanh cho hoạt động điều tra và kiểm soát dịch tại các địa bàn quận, huyện có số ca mắc mới tăng cao, TP. Hồ Chí Minh cũng kích hoạt các trạm y tế lưu động với lực lượng các y bác sĩ dự bị do các Trung tâm Y tế và các bệnh viện đảm trách.
Mô hình hoạt động hiệu quả
Để bảo đảm công tác phòng chống dịch, ngoài việc tổ chức lại các trạm y tế lưu động ở cấp phường, xã tại khu vực có số F0 tăng cao, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị thành lập 8 bệnh viện dã chiến cấp quận/huyện với quy mô mỗi bệnh viện khoảng 300 giường. Các bệnh viện này sẽ thay thế cho các bệnh viện dã chiến cấp thành phố đã đóng cửa trước đó trong việc thu dung, điều trị các F0 có triệu chứng.
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thành lập Trạm Y tế xã, phường, thị trấn lưu động tại các quận, huyện và TP. Thủ Đức. Các Trạm Y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.
Đơn cử, gắn kết và phối hợp của nhiều bộ phận trong công tác chăm sóc sức khoẻ người dân tại phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức, Trạm Y tế lưu động số 21 gồm Trạm Y tế phường Bình Chiểu + Trạm Y tế lưu động số 21 do các bác sĩ Quân y đảm trách + Tổ phản ứng nhanh của phường Bình Chiểu + tổ chức thiện nguyện “Oxy map” + các bác sĩ tư nhân tình nguyện. Trạm y tế lưu động số 21 đã và đang phụ trách cách ly điều trị tại nhà hiệu quả cho các F0 trên địa bàn phường, với tình hình sức khoẻ đều ổn định.
Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, sau hơn 1 tháng thực hiện Chỉ thị 18/CT-UBND của UBND TP. Hồ Chí Minh về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, tình hình dịch bệnh tạm ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Giám sát diễn biến dịch bệnh mỗi ngày cho thấy số ca mắc mới đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây, nhất là tại các quận, huyện vùng ven như Quận 12, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Gò Vấp, Bình Tân do công nhân đang trở lại nhà máy, được yêu cầu xét nghiệm toàn bộ trước khi đi làm và phát sinh F0.
Việc F0 tăng trở lại khiến các trạm y tế xã và trạm y tế lưu động phải đang căng mình hỗ trợ. Tại trạm y tế lưu động thuộc xã Long Thới, huyện Nhà Bè, Bác sĩ Lê Tấn Đức cho hay, thời gian qua lượng F0 trên địa bàn xã tăng cao, có thời điểm có hơn 400 ca F0 cách ly tại nhà nhưng trạm y tế chỉ có 5 người, trạm lưu động chỉ có 2 người trong khi phải đảm nhiệm một lúc nhiều công việc như lấy mẫu, chăm sóc, điều trị, phát thuốc… cho các bệnh nhân.
Tại Trạm y tế lưu động số 13 thuộc quận 12, Bác sĩ Trần Hồng Ly (Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh) cũng cho hay, riêng tại phường Tân Thới Nhất, mỗi ngày có khoảng 80 - 100 ca test nhanh dương tính. Số ca bệnh có xu hướng tăng vì trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp sản xuất, giáp Quốc lộ 1A và các khu công nghiệp Tân Bình, Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Bà Điểm (huyện Hóc Môn), tập trung đông công nhân từ các tỉnh miền Tây, miền Trung.

Nguồn: ITN
Tăng cường trạm y tế lưu động
Trước tình hình số lượng F0 tăng, để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới, TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng hình thành các đội phản ứng nhanh cho hoạt động điều tra và kiểm soát dịch tại các địa bàn quận, huyện có số ca mắc mới tăng cao, cũng như kích hoạt các trạm y tế lưu động với lực lượng các y bác sĩ dự bị do các Trung tâm Y tế và các bệnh viện đảm trách.
Theo đó, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã quyết định bổ sung 33 trạm y tế lưu động do các bệnh viện thành phố và quận, huyện đảm trách. Cụ thể, quận 12 thêm 20 trạm, huyện Bình Chánh thêm 8 trạm, huyện Hóc Môn thêm 4 trạm và quận Bình Tân 1 trạm. Như vậy, TP. Hồ Chí Minh đã nâng tổng số lên 250 trạm y tế lưu động, bên cạnh 310 trạm y tế. Trước đó, lúc đỉnh dịch TP. Hồ Chí Minh có 550 trạm y tế lưu động. Bên cạnh việc tăng cường lực lượng từ các bệnh viện cho các trạm y tế lưu động, TP. Hồ Chí Minh cũng đã kích hoạt lại mạng lưới thầy thuốc đồng hành, thành lập đội đặc nhiệm kiểm dịch.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng cho biết, hiện nay, quy mô các trạm y tế lưu động không giống như giai đoạn dịch cao điểm. Do đó, tuỳ theo diễn biến dịch bệnh, thành phố đang có kế hoạch duy trì, thành lập mới trạm y tế lưu động sao cho tương xứng với số F0 tại các địa phương. Vì vậy, nhân sự huy động hỗ trợ cũng sẽ có thay đổi theo hướng tăng lực lượng chuyên môn, mỗi trạm tăng cường 1 bác sĩ, 1 - 2 điều dưỡng; các địa phương chịu trách nhiệm huy động một số tình nguyện viên để hỗ trợ các công việc khác. Hiện, các địa phương đang xây dựng kế hoạch, kịch bản, tình huống liên quan để Sở Y tế lên danh sách cán bộ y tế sẵn sàng điều động khi có nhu cầu.
Ngoài ra, chính mỗi nhân viên y tế phải là một tuyên truyền viên tích cực về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, tại khu dân cư sinh sống bằng nhiều biện pháp khác nhau để người dân ý thức và tuân thủ 5K để hạn chế lây lan dịch bệnh, phát hiện sớm khi có triệu chứng để điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, tăng cường tầm soát người đến khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện, khi phát hiện chùm ca bệnh phải báo cáo nhanh để kịp thời điều tra dịch tễ.