Gia tăng rút bảo hiểm xã hội một lần

Vì đâu nên nỗi?

- Thứ Năm, 04/08/2022, 06:02 - Chia sẻ

Hiện nay, tình trạng rút Bảo hiểm xã hội một lần đang ngày gia tăng và người lao động có rất nhiều lý do để đi đến quyết định khó khăn này. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài của người lao động, mà còn tạo sức ép lớn tới việc duy trì hệ thống an sinh bền vững. 

Vì mưu sinh trước mắt

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang dự thảo hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách bảo hiểm, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2023. Trong các nhóm này sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH, cụ thể là rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, với tinh thần đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ít.

Chế độ hưu trí là cốt lõi của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động khi hết tuổi lao động. Lương hưu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp người lao động bảo đảm khi về già có chi phí chi trả cho những nhu cầu sống cơ bản và có thêm thẻ bảo hiểm y tế được cấp miễn phí để chăm sóc sức khỏe. 

Tuy vậy, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2022, cả nước có trên 302.000 người rút BHXH một lần. Giai đoạn 2016 - 2021, đã có hơn 4,59 triệu người hưởng BHXH một lần, trung bình 2 người tham gia BHXH có 1 người rút BHXH một lần và năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong nhóm hưởng BHXH một lần, nữ chiếm đa số, tập trung nhiều nhất ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhóm dưới 40 tuổi.

Chị Đinh Thị Ngân, công nhân giày da Công ty TNHH Hài Mỹ - Nhà máy Sài Gòn (Phường Bình Chuẩn, TP. Thuận An, Bình Dương) chia sẻ: “Tôi đóng BHXH được 2 năm rút được khoảng 23 triệu đồng. Tôi không dám nghĩ đến việc sau này về già sẽ nhận được lương hưu, bởi thực tế lao động làm nghề giày da đến khoảng 40 - 45 tuổi dễ bị đào thải và liệu ở độ tuổi đó có công ty nào chấp nhận lao động như vậy hay không. Hơn nữa, với mức lương tầm 5 - 6 triệu/1 tháng thì lương hưu tôi rất thấp không đủ để duy trì mức sống tối thiểu”.

Cũng là người quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần, anh Hoàng Thành, Công nhân khai thác than công ty TNHH MTV than Khe Chàm - Vinacomin cho hay, “làm trong ngành đặc thù này mặc dù lương có cao thật, nhưng đòi hỏi phải có sức khỏe và luôn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập nên tôi cũng chỉ định làm đến 45 tuổi. Ở độ tuổi đó để kiếm 1 công việc khác để tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội là rất khó nên tôi cũng định sẽ rút tiền bảo hiểm xã hội, đầu tư kinh doanh nhỏ, gần gia đình. Ngành này mà làm được đến tuổi nghỉ hưu được xem là một điều gì đó rất xa xỉ”. 

Người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần (Nguồn:ITN)
Người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần
Nguồn: ITN

Mất... của để dành

Trong đại dịch Covid-19, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần chiếm tỷ lệ cao. Điều đó cho thấy, chỉ cần gặp sự cố hay biến cố nhỏ thì người lao động sẵn sàng rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết những vấn đề trước mắt. Vậy làm thế nào để người lao động sau khi đóng bảo hiểm xã không phải nghĩ đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần? Đây được xem là một bài toán khó khi lao động có tay nghề cao, kỹ năng tốt, lương tốt, đóng bảo hiểm và tích lũy được chiếm tỷ lệ nhỏ. Trong khi đó, lao động làm nghề tay chân như dệt may, giày da, chế biến thủy sản… chiếm tỷ lệ cao nhưng lương chỉ đủ duy trì cuộc sống, không có tích lũy và lương hưu của khối này tương đối thấp.

Thực tế cho thấy, việc rút BHXH một lần sẽ dẫn đến mất an ninh thu nhập lúc về già của người lao động. Bởi, rút BHXH một lần đồng nghĩa với việc có tiền trước mắt nhưng mất đi số năm đã đóng, khi đóng lại sẽ thiệt thòi hơn. Theo quy định, người lao động phải đóng BHXH tối thiểu 15 năm mới được hưởng lương hưu 45%, nếu rút ra thì chỉ được hưởng trợ cấp một lần. Như vậy, cuộc sống về già sẽ rất khó khăn. Điều đáng nói, nếu số người hưởng BHXH một lần nhiều hơn số người tham gia bắt buộc thì không thể cân đối được quỹ BHXH. 

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Bùi Sỹ Lợi nhìn nhận, nhiều lao động vẫn chưa hiểu rõ về những bất lợi khi rút BHXH một lần, vẫn có người nghĩ mức đóng lương hưu ngắn, nếu không rút sau này quỹ BHXH không cân đối được sẽ không giữ được quỹ. “Đáng nói, tiền BHXH người lao động đóng Nhà nước đầu tư tăng trưởng, bảo đảm quỹ phát triển an toàn. Khi người lao động về hưu, Nhà nước điều chỉnh lương bảo đảm giá trị thực tế của đồng tiền không bị trượt giá.” ông Lợi phân tích thêm.

Để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần nhiều chuyên gia về bảo hiểm cho rằng cần rất nhiều giải pháp, đó là thiết kế hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập quốc tế, tăng quyền lợi nhưng trước mắt cần nâng cao đời sống tinh thần, cải thiện điều kiện lao động... Khi người lao động có thu nhập ổn định sẽ không cần phải rút khoản để dành là BHXH để lo công việc trước mắt hoặc cấp bách.

Thái Yến - Nguyễn Ngân