Ứng dụng công nghệ, giảm tiêu cực, nhũng nhiễu

- Chủ Nhật, 03/07/2022, 06:18 - Chia sẻ

Khảo sát Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) 2021 cho thấy, không có phản ánh nào của doanh nghiệp về chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế. Trong khi ở các lĩnh vực khác vẫn còn xuất hiện, mặc dù có xu hướng giảm, trừ thủ tục hành chính về đất đai và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hạn chế chi phí không chính thức

Sở dĩ ngành thuế có được đánh giá khả quan nêu trên là ngành này đã áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong thực hiện và xử lý thủ tục hành chính. Đồng thời, đơn giản hóa các yêu cầu về báo cáo thuế, cập nhật thông tin và các hướng dẫn thủ tục rõ ràng và dễ hiểu.

Điều này giải quyết được vấn đề vốn rất tế nhị trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính đó là “tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ nhà nước với đại diện doanh nghiệp”. Thực tế cho thấy, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử sẽ giảm cơ hội tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ nhà nước với doanh nghiệp. Từ đó, sẽ góp phần hạn chế được chi phí không chính thức và tạo điều kiện cho cán bộ tập trung giải quyết các vấn đề chuyên môn hiệu quả hơn.  

Hiện, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. 99,7% doanh nghiệp đang hoạt động, tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 99% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 97% doanh nghiệp tham gia, thực hiện thủ tục hoàn thuế điện tử.

Kinh nghiệm thực hiện thủ tục hành chính trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy, nhu cầu thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến là rất cần thiết. Tuy vậy, việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến phải thực chất, triệt để và hiệu quả và từng bước thay thế cho việc thực hiện thủ tục hành chính theo phương pháp truyền thống. Các ứng dụng để liên lạc thông tin, thực hiện thủ tục hành chính áp dụng cho người dân, doanh nghiệp cần chú ý tới việc giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi sử dụng.

Tăng tỉ lệ hồ sơ trực tuyến
Tăng tỉ lệ hồ sơ trực tuyến
Nguồn: ITN

Sớm ứng dụng công cụ giám sát, đánh giá trực tuyến

APCI 2021 đã cho thấy, các địa phương có sự bứt phá về chi phí tuân thủ thường có chi phí thời gian chuẩn bị hồ sơ và sửa đổi hồ sơ ngắn hơn, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí trực tiếp do hiểu rõ thủ tục để thực hiện mà không cần phải trả chi phí cho một bên thứ ba thực hiện.

Một trong những đề xuất của các chuyên gia là tiếp tục đẩy mạnh áp dụng thực hiện và xử lý thủ tục hành chính trực tuyến, gia tăng các thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và cổng dịch công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung áp dụng phương thức trực tuyến đối với các thủ tục hành chính đơn giản với số lượng người thực hiện đông, tần suất thực hiện nhiều. Việc tổ chức xử lý thủ tục hành chính trực tuyến cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt trong giai đoạn “bình thường mới”.

Để làm được điều này, hạ tầng công nghệ (giao diện, tốc độ xử lý dữ liệu, thường xuyên lỗi hệ thống...) cần được phát triển kịp thời để theo kịp với số lượng hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến không ngừng tăng lên trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, cần tránh tình trạng đưa yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến trở thành một thủ tục hành chính mới và sẽ tạo thành chi phí tuân thủ bổ sung. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường tuyên truyền về việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, sự e ngại của cá nhân, tổ chức đối với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao tỷ lệ áp dụng phương thức này.

Muốn vậy các cơ quan nhà nước cần đẩy mạnh công tác chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan để người dân, doanh nghiệp không phải thực hiện các thủ tục hành chính “con”/“phụ” để có thể giảm chi phí tuân thủ. Nếu các dữ liệu về thông tin về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình xây dựng, đăng ký doanh nghiệp, thông tin về dự án đầu tư... được chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước thì sẽ trở nên rất thuận tiện cho cả cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu các cơ quan nhà nước có thể phối hợp thẩm tra, đánh giá và cấp ý kiến liên quan đến điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến thì có thể giảm chi phí tuân thủ cho nhiều thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan.

Ở khía cạnh khác, cần phải thấy rằng bên cạnh các giải pháp nêu trên, thì việc sớm đưa các công cụ giám sát trực tuyến từ khâu xây dựng các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đến khâu tổ chức thực thi, thực hiện thủ tục hành chính/Cổng dịch vụ công quốc gia sau khi quy định được ban hành vào sử dụng cũng là một giải pháp quan trọng. Bởi đây là cơ chế để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá mức độ hài lòng, đối thoại trực tuyến với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, thực thi các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thực hiện thủ tục hành chính/Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nguyễn Minh