Bạn đọc viết:

Thúc đẩy hỗ trợ sinh kế

- Thứ Năm, 04/08/2022, 05:59 - Chia sẻ

Báo cáo toàn cầu về buôn bán người năm 2020 do Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) vừa công bố cho thấy, khoảng 70% nạn nhân buôn người được phát hiện trong năm 2017 và 2018 là phụ nữ.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao phụ nữ lại chiếm đa số tỷ lệ nạn nhân của buôn bán người?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế đáng lưu tâm này. Trong đó, sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới dẫn đến việc phụ nữ có vị thế kinh tế - xã hội không bình đẳng, rơi vào cảnh nghèo đói. Phân tích dữ liệu từ 91 quốc gia đang phát triển cho thấy, khoảng cách giới giữa những người sống trong tình trạng nghèo cùng cực là lớn nhất đối với nhóm tuổi 25 - 34. Trong nhóm tuổi này, khả năng sống trong cảnh nghèo cùng cực của phụ nữ cao hơn 25% so với đàn ông. Ngoài ra, phụ nữ thường làm các công việc được trả lương thấp với điều kiện kém hơn.

Tình trạng kinh tế - xã hội bất bình đẳng của phụ nữ thường buộc họ phải tìm kiếm những cơ hội kinh tế nhiều rủi ro. Những kẻ buôn người đã khai thác điều này thông qua việc lừa dối, ép buộc và lạm dụng họ. Có nhiều bằng chứng cho thấy, chính những gia đình nghèo nhất có nhiều khả năng bán phụ nữ cho những kẻ buôn người nhất.

Thực tế cho thấy, buôn bán người để bóc lột tình dục, chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái, mang lại nhiều lợi nhuận hơn tất cả các hình thức lao động cưỡng bức khác. Do đó, phụ nữ và trẻ em gái trở thành mục tiêu chính của những kẻ buôn người. Trong khi đó, sự hạn chế trong khả năng giải quyết nạn buôn người ở các quốc gia khiến mạng lưới buôn người vẫn tiếp tục hoạt động với tỉ lệ không bị xét xử rất cao, đặc biệt ở châu Á và châu Phi.

Các nguyên nhân dẫn đến nạn buôn người, đặc biệt là tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng về kinh tế, dự kiến ​​sẽ gia tăng sâu sắc hơn do cuộc khủng hoảng Covid -19. Báo cáo này cũng cho thấy, những người từng là nạn nhân của buôn người đang mất quyền tiếp cận với các dịch vụ cần thiết để phục hồi sức khỏe, và sự chậm trễ trong quá trình xét xử đã tác động đến khả năng tiếp cận công lý của nạn nhân. 

Tại Việt Nam, số nạn nhân mua bán người tăng lên hàng năm, từ dưới 20.000 người năm 2003 đến khoảng 49.000 người năm 2018. Số nạn nhân nữ chiếm khoảng 65% (trong đó 19% là trẻ em gái) với nhiều hình thức bị mua bán. Trong đó, 50% bị bóc lột tình dục, 38% lao động cưỡng bức và một số trở thành nạn nhân của các hoạt động phi pháp khác.

Từ con số này cho thấy, vai trò của các cấp Hội Phụ nữ rất quan trọng, nhất là nhìn ở góc độ tạo lập vị thế kinh tế bình đẳng cho phụ nữ, thông qua hỗ trợ sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình. Theo đó, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới các hình thức tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người, chia sẻ các mô hình kinh tế hay, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhất là vùng sâu, xa, vùng biên giới thông qua gần 2.000 trang fanpage Facebook, hơn 11.000 nhóm Zalo mà các cấp Hội đang có; thì cần phát huy hiệu quả các mô hình tư vấn, hỗ trợ phụ nữ như Ngôi nhà bình yên, Ngôi nhà Nhân ái... - để những địa chỉ này thực sự trở thành sự lựa chọn tin cậy của phụ nữ khi gặp khó khăn, hoặc khi bị mua bán trở về. 

Phạm Hải