Sổ tay

Tháo điểm nghẽn

- Chủ Nhật, 08/05/2022, 10:28 - Chia sẻ

Việc chia sẻ dữ liệu đã được đặt ra từ khi xây dựng chính phủ số, xây dựng cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên cho đến nay đây lại là điểm nghẽn lớn nhất. Mới đây, thủ tướng chính phủ đã ban hành chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26.4.2022 về phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, nêu bật việc tháo gỡ điểm nghẽn trong chia sẻ dữ liệu.

Hiện, có rất nhiều văn bản liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu, tài nguyên số nhằm phục vụ xây dựng chính phủ điện tử, trong đó có những văn bản quan trọng như nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7.3.2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15.6.2021 phê duyệt chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030…; Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9.4.2020 của chính phủ quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc triển khai còn rất nhiều vướng mắc, như hạ tầng kỹ thuật chưa được tối ưu hóa và vận hành chuyên nghiệp, chưa có khả năng linh hoạt đáp ứng yêu cầu mới phát sinh… Đặc biệt là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính công.

“Số mà vẫn giấy”, “số mà chưa thông” là tâm trạng của rất nhiều người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, từ đơn giản như xin nhập học cho con, đến mua đất, xây nhà. việc người dân vẫn phải kê khai nhiều lần và vẫn chọn đến trụ sở cơ quan hành chính để thực hiện thủ tục hơn là “ngồi ở nhà thực hiện” đã nói lên những vướng mắc trong quá trình chia sẻ dữ liệu. Chuyện một người dân khi đến sử dụng app Vssid (Bảo hiểm xã hội) để hưởng chế độ, nhưng nhân viên hành chính vẫn yêu cầu phải có chứng minh nhân dân, hoặc thẻ căn cước công dân đã phản ánh được phần nào việc chưa kết nối liên thông được giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Từ thực tế này, chỉ thị đã nêu rõ các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả, thông suốt giữa các cơ quan nhà nước bảo đảm tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, tuân thủ đúng quy định của nghị định số 47/2020/NĐ-CP. Công khai danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, danh mục các dịch vụ chia sẻ dữ liệu; hạn chế cung cấp thông tin qua hình thức văn bản đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Đặc biệt, không thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu khi thực hiện thủ tục hành chính nếu thông tin, dữ liệu này đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ, trừ trường hợp thông tin, dữ liệu không bảo đảm yêu cầu về chất lượng, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hoặc pháp luật có quy định khác.

Ngoài việc quy định các đầu việc cụ thể, chỉ thị cũng nêu rõ, thời hạn phải hoàn thành như: thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa cấp bộ, cấp tỉnh từ ngày 1.6.2022, cấp huyện từ ngày 1.12.2022, cấp xã từ ngày 1.6.2023; 25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg thực hiện số hóa từ ngày 1.7.2022...

Chỉ thị này một lần nữa khẳng định quyết tâm của chính phủ trong việc xây dựng chính phủ điện tử, đồng thời cũng cho thấy chính phủ đã nhìn rõ điểm nghẽn cơ bản trong xây dựng Chính phủ điện tử, công dân số. Tuy nhiên, đã đến lúc cần "điểm danh" những bộ, ngành chưa thực hiện tốt việc chia sẻ dữ liệu; cũng như cơ quan hành chính yêu cầu người dân có thêm giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Nguyễn Minh