Bạn đọc viết

Quy định rõ lộ trình cắt, giảm thủ tục kinh doanh

- Thứ Bảy, 23/07/2022, 06:42 - Chia sẻ

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài chính đang được lấy ý kiến. Theo đó, Dự thảo đã để xuất cắt giảm, đơn giản hoá nhiều quy định, song để bảo đảm sự cắt giảm đi vào thực chất, không treo tên thủ tục, điều kiện cắt giảm, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ, cân chỉnh để phù hợp với tinh thần cải cách, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư.

Dự thảo đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đối với 195 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý, tỉ lệ phương án cắt giảm, đơn giản hóa theo thống kê đạt 15,5%. Các thủ tục được cắt giảm ở các lĩnh vực: kế toán, kiểm toán; tài chính ngân hàng; giá; chứng khoán; hải quan; thuế; quản lý nợ; bảo hiểm. Tại Dự thảo này, Bộ Tài chính cũng đề xuất bãi bỏ 14 thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa 8 quy định liên quan đến yêu cầu, điều kiện, thành phần hồ sơ của TTHC.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ ngày 15.12.2021- 30.6.2022, đã rà soát, bãi bỏ 25 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 45 TTHC và ban hành mới 3 TTHC trong các lĩnh vực hải quan, quản lý thuế, tài chính doanh nghiệp, tài chính ngân hàng và quản lý nợ. Như vậy, nếu Dự thảo này được thông qua sẽ có nhiều thủ tục hành chính được bãi bỏ, hoặc được đơn giản hoá.

Quy định rõ lộ trình cắt, giảm thủ tục kinh doanh -0

Tuy nhiên, góp ý vào Dự thảo nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo cần tiếp tục được cân chỉnh, hoàn thiện theo hướng cải cách thực chất, mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đối tượng chịu sự tác động. Chẳng hạn, đề xuất sửa đổi các thủ tục khai nộp thuế đối với khoản thu nhập từ dự án đầu tư tại nước ngoài, thủ tục khai quyết toán khoản lỗ do chấm dứt dự án đầu tư ở nước ngoài mà doanh nghiệp phải gánh chịu)… Ngoài ra, Dự thảo cũng cần tiếp tục đơn giản hoá một số loại báo cáo (Báo cáo về hoạt động phòng ngừa rủi ro và số lượng đã chào bán trong ngày; Báo cáo 6 tháng kế hoạch của các cơ sở hoạt động công ích...), đẩy mạnh phương thức báo cáo điện tử… để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống văn bản quy định chế độ báo cáo và việc triển khai điện tử hóa trên Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ.

Liên quan đến các quy định về về yêu cầu điều kiện, nhiều ý kiến cho rằng cần được tiếp tục rà soát để nâng cao chất lượng của phương án đơn giản hóa, tăng tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa quy định và tỷ lệ cắt giảm chi phí tuân thủ quy định. Đơn cử, tại Khoản 2, Điều 8 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP yêu cầu để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi có lãi trong 3 năm tài chính và không có lỗ lũy kế đến thời điểm nộp hồ sơ - Đây là quy định được nhiều doanh nghiệp để xuất giảm số năm có lãi hoặc bãi bỏ quy định không có lỗ lũy kế… Thực tế việc cắt giảm điều kiện chính là giảm các chi phí tuân thủ, từ đó góp phần tạo cắt giảm chi phí nói chung cho doanh nghiệp. Để làm được điều này, việc cắt giảm các điều kiện không chỉ nhìn ở góc độ "thuận tiện cho cơ quan quản lý" mà còn cần nhìn cả ở phương diện của đối tượng bị tác động, có như vậy mới hướng tới được mục tiêu cải cách thực chất. 

Ngoài những đóng góp trên, để bảo đảm tính khả thi của các quy định được đề xuất cắt giảm, bãi bỏ Dự thảo cần quy định rõ lộ trình thực hiện - điều này không chỉ vừa dễ thực thi mà còn tạo điều kiện cho công tác đánh giá, tổng kết.

Phạm Hải