Góp ý Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Người bị bạo lực gia đình phải được bảo vệ kịp thời

- Thứ Bảy, 28/05/2022, 05:38 - Chia sẻ

Hòa giải là một biện pháp nhằm phòng ngừa bạo lực gia đình đồng thời phòng ngừa tái diễn bạo lực. Song việc hòa giải được coi như biện pháp xử lý vụ việc trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình kéo dài. Do vậy theo nhiều chuyên gia, khi sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần thay đổi quan niệm này cũng như quan tâm nâng cao chất lượng của hòa giải viên; các quy định cần được thiết kế làm sao để người bị bạo lực gia đình phải được bảo vệ kịp thời; tránh những hậu quả đáng tiếc.

Làm rõ phạm vi hòa giải

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định các nội dung về hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình và tư vấn, góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư về phòng ngừa bạo lực gia đình. Trong khi đó, về bản chất, hòa giải là biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình cũng như phòng ngừa tái diễn bạo lực, không thể thay thế các biện pháp xử lý.

Hòa giải không phải là biện pháp thay thế trong bạo lực gia đình
Hòa giải không phải là biện pháp thay thế trong bạo lực gia đình. Nguồn: ITN

Quá trình thực hiện Luật cho thấy công tác hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Điều này có nguyên nhân khách quan là hòa giải viên khó tiếp cận nạn nhân bị bạo lực, người có hành vi gây ra bạo lực… thậm chí, có trường hợp hòa giải viên đã bị chính người có hành vi bạo lực gây thương tích. Việc hòa giải đôi khi còn dẫn đến tình trạng “bạo lực kép” do người thực hiện hòa giải thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình, về giới và quyền con người.

Phản ánh của nhiều địa phương cho thấy, Luật hiện hành chưa quy định rõ trường hợp nào thì phải xử lý bằng hòa giải và khi nào thì xử lý bằng các biện pháp khác. Luật mới chỉ đưa ra nguyên tắc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình nhưng chưa làm rõ các trường hợp bạo lực gia đình có được hòa giải hay không khi Khoản 1, Điều 15 chỉ quy định: “Tổ hòa giải ở cơ sở tiến hành hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”.

Trong khi đó, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013; Điểm b, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27. 2.2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở quy định không hòa giải đối với “vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết”. Do vậy, hòa giải viên rất khó khăn trong việc xác định những vụ việc vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình nào thì được phép tiến hành hòa giải ở cơ sở.

Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, năm 2019, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.

Quan tâm chất lượng hòa giải viên

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã bổ sung quy định về “các loại hình hòa giải” tại Điều 22 nhằm phân định rõ thời điểm hòa giải, việc tổ chức hòa giải các vụ việc trong phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về “Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình” tại Điều 20 với điểm nhấn về mặt nguyên tắc là “hòa giải không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình” và “tôn trọng sự tự nguyện của các bên và bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình”.

Đồng tình với hướng sửa đổi này, song theo Phó Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Cao Thị Hồng Minh, Dự thảo đang quy định công tác hòa giải do gia đình, dòng họ tiến hành chung cho các vụ việc bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đối với các vụ việc có người bị bạo lực là trẻ em, do đây là đối tượng có những đặc điểm riêng về tâm lý, lứa tuổi, thêm vào đó, trong một số gia đình, tiếng nói của trẻ thường không được lắng nghe. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình có thể thiếu kiến thức và quan niệm đúng về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em. Vì vậy, cần bổ sung quy định về sự tham gia của cán bộ chuyên trách về công tác trẻ em hoặc nhân viên công tác xã hội trong các buổi hòa giải này để góp phần nâng cao chất lượng hòa giải, bảo đảm tốt nhất quyền trẻ em.

Một trong những yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng của hoạt động hòa giải đó là kỹ năng, trình độ của hòa giải viên. Tuy nhiên, luật hiện hành còn thiếu các quy định về tiêu chí (trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức) của hòa giải viên, tổ hòa giải và tư vấn viên. Trong khi đó, hòa giải viên cần được thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, kỹ năng hòa giải, nhất là các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật...

Vì vậy, một số ý kiến đề nghị Dự thảo cần quy định cụ thể về tiêu chuẩn với hòa giải viên trong phòng, chống bạo lực gia đình. Đối với hoạt động tư vấn, cần làm rõ nội dung tư vấn, đối tượng được tư vấn cũng như phân định rõ hoạt động tư vấn tại cộng đồng và hoạt động tư vấn tại các cơ sở. Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới hiện nay, người thực hiện hoạt động tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở chuyên môn cần có chứng nhận đã qua tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình trước khi thực hiện tư vấn.

Anh Dũng